Triển khai 34 điểm bán thực phẩm lưu động bình ổn giá tại TP.HCM

Từ ngày 13/7, Bộ Công Thương phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Voso để triển khai 34 điểm bán thực phẩm lưu động bình ổn giá trên toàn TP.HCM.

Theo sàn TMĐT này, 34 điểm bán hàng lưu động trên toàn thành phố sẽ cung cấp 13 tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

34 điểm bán hàng này sẽ là các bưu cục của Viettel Post, thuộc 18 quận huyện của TP.HCM. Các sản phẩm bán tại điểm bình ổn lưu động có mức giá thấp hơn hoặc bằng giá bán được quy định theo quy định chương trình do Sở Công Thương TP.HCM chỉ đạo.

Đây là hoạt động thuộc chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” của Bộ Công Thương phối hợp cùng các doanh nghiệp.

Trước đó, Viettel Post được các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu bằng luồng “ưu tiên đặc biệt” tại các địa phương đang giãn cách theo chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

thuc pham binh on gia tp.hcm anh 1

34 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá sẽ được Voso thiết lập tại các bưu cục của Viettel Post tại khắp 18 quận huyện TP.HCM. Ảnh: VTP.

Hoạt động bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng khác phân phối hàng hóa đến nhiều điểm bán trong địa bàn, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt, giúp người dân toàn thành phố an tâm chống dịch.

Theo ghi nhận của Zing những ngày qua, tại một số chợ ở TP.HCM, rau, củ quả là mặt hàng tăng giá mạnh, gấp 3-4 lần so với trước. Trong sáng 13/7, giá rau cải xanh, cải ngọt vẫn ở mức 30.000 đồng/kg, dưa leo lên 40.000 đồng/kg, rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg, xà lách 40.000 đồng/kg, cà chua, khoai tây 50.000 đồng/kg, rau muống 30.000 đồng/kg….

Tiểu thương ở các chợ lý giải rằng do 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa, nguồn cung khan hiếm và chi phí xét nghiệm cho tài xế chở hàng khá cao và hàng rau củ có thời hạn sử dụng ngắn. Do đó, họ phải cộng thêm vào giá sản phẩm.

Tuy nhiên, khảo sát tại các vườn rau thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn và Lâm Đồng cho thấy người nông dân lại điêu đứng vì giá rau xuống thấp, không có nguồn tiêu thụ.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
On Key

Bài Viết Liên Quan