Trải qua nhiều thăng trầm, hủ tiếu gõ vẫn cứ là một món ăn rẻ được tầng lớp lao động yêu thích, và cũng là một nét văn hoá rất riêng khiến người ta nhớ đến một Sài Gòn yên bình về đêm.
Chẳng ai biết hủ tiếu gõ có từ bao giờ. Nhưng những ai từng có thời gian sống ở Sài Gòn hẳn đã từng bắt gặp những chiếc xe hủ tiếu gõ trên các góc phố, lề đường vào mỗi buổi đêm, khi muốn đi tìm chỗ ăn mà các hàng quán đều đã đóng cửa.
Hủ tiếu gõ là một món ăn rất bình dân, thường được bán ở các lề đường, vỉa hè vào buổi tối và đêm muộn. Không giống các loại hủ tiếu khác, cái tên hủ tiếu gõ xuất phát từ chính cách mà người ta bán hàng.
Đó thường là một chiếc xe nhỏ được dựng lên để có thể di chuyển dễ dàng. Chiếc xe này được làm rất thô sơ, giản dị, có nơi còn dùng luôn xe máy, xe đạp…, khi đi thì dùng một dụng cụ gõ tạo ra âm thanh “lóc cóc” để khách hàng có thể nhận biết được. Chiếc xe hủ tiếu cứ thế len lỏi khắp các con đường, góc hẻm, qua những trường học, khu xí nghiệp…
Thành phần của tô hủ tiếu gõ cái gì cũng chỉ có “một chút”: một chút hủ tiếu, chút thịt heo thái mỏng, ít giá đỗ, ít hẹ, thêm miếng tóp mỡ thơm bùi… rồi chan nước lèo vào. Đơn giản vậy thôi nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Chẳng biết có loại hủ tiếu nào rẻ hơn hủ tiếu gõ không. Mỗi tô hủ tiếu chỉ có giá 10 ngàn, chỗ 15, chỗ 18 ngàn… cũng đầy đủ hủ tiếu, rau, giá, thịt heo thái mỏng, bò viên, có chỗ còn cho thêm trứng cút và vài cục xí quách (xương heo). Tuy không quá đầy đặn hay nhiều nhân như các loại hủ tiếu khác nhưng cũng đủ để người ta ăn cho ấm bụng.
Điểm đặc biệt nhất của hủ tiếu gõ chính là phần nước lèo. Nước được ninh từ xương heo và rau củ thật kỹ để tạo nên vị ngọt thơm hấp dẫn. Vì thế mà dù bát hủ tiếu chẳng được nhiều thịt, chẳng đầy đặn các loại nhân nhưng vẫn cứ hấp dẫn người ăn.
Hồi trước, mỗi hàng hủ tiếu thường sẽ có một cậu bé cầm hai thanh tre hoặc sắt đi theo, vừa đi vừa gõ để tạo ra âm thanh cho khách hàng nhận biết. Ai muốn ăn thì gọi lớn, thế là sẽ có ngay bát hủ tiếu gõ nóng hổi được mang đến tận nhà.
Đa số các vị khách hàng là những người lao động nghèo, công nhân, sinh viên hay những người có thu nhập ít ỏi… Người ta lựa chọn hủ tiếu gõ bởi đây là một món ăn đơn giản, lại có giá rẻ, một tô thôi cũng đủ xua tan cơn đói. Bởi vậy mới nói, hủ tiếu gõ sinh ra là để dành cho người nghèo.
Sau này, đối tượng ăn hủ tiếu gõ cũng nhiều hơn. Không hẳn là những người nghèo nữa mà dần dần, người ta ăn hủ tiếu gõ vì muốn thử, ăn rồi thấy ngon, rồi quen… Xe hủ tiếu gõ bây giờ cũng chẳng còn những âm thanh “lóc cóc” quen thuộc như ngày trước nữa. Người thì kéo đến tận xe ngồi ăn vì đã có cả ghế nhựa, khăn giấy phục vụ đầy đủ. Người quen rồi thì có thể gọi điện để được mang tận nhà. Thế nhưng, trải qua nhiều thăng trầm, hủ tiếu gõ vẫn cứ là một món ăn rẻ được tầng lớp lao động yêu thích, và cũng là một nét văn hoá rất riêng khiến người ta nhớ đến một Sài Gòn yên bình về đêm.
Tối tối, nếu có đi đâu về muộn mà đói bụng, ghé vào một chiếc xe hủ tiếu ven đường, vừa ăn vừa ngắm phố phường Sài Gòn hoa lệ về đêm, thấy cuộc sống sao mà bình yên thế.