Nguyễn Quang Dũng: ‘Tôi mà lấy nhiều tiền, Jack chẳng mời đâu’

Nguyễn Quang Dũng: Tôi mà lấy nhiều tiền, Jack chẳng mời đâu

“Nếu nhận vì tiền tôi phải lấy nhiều tiền lắm, họ không mời đâu. MV này, tôi không tính cát-xê”, Nguyễn Quang Dũng nói về thù lao trong cú bắt tay với Jack.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói với Zing.vn về cú bắt tay được bàn tán với Jack trong MV đánh dấu sự trở lại của giọng ca sinh năm 1997: Là một thằng con trai. Anh cũng nêu quan điểm về giá trị đích thực của loại hình MV và sự thay đổi của game show âm nhạc, nơi anh từng là một trong những người “cầm cân nảy mực”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa bắt tay với Jack trong MV Là một thằng con trai với vai trò giám đốc sáng tạo. Đây cũng là lần hiếm hoi Dũng “Khùng” trở lại với một sản phẩm MV.

“Tôi làm sao khiến Jack hot hơn được”

– Nguyễn Quang Dũng từng ôm đồm và cả nể vì làm nhiều việc một lúc: đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu, giám khảo game show… Bây giờ, nhận xét ấy có còn đúng với anh?

– Tôi thì vẫn nhắm nếu mình làm được cái gì thì mình làm. Nhưng bản thân cũng có tính dở là nhiều khi hơi cả nể hay làm những việc mà người khác trốn, chẳng chịu làm thì mình lại làm.

Đôi khi, cũng bất chấp đấy nhưng ngẫm ra lại tốt cho mình. Nó có thể là một khuyết điểm nhưng cũng lại là ưu điểm. Ở chỗ, khi mình cả nể, mình hay nhận lời thì lúc mình cần, mình cũng ít bị từ chối.

Mà thực ra, nói qua cũng phải nói lại, làm phim 1, 2 năm cũng không sức đâu mà mình làm hoài được. Nên, tôi cũng phải nhận những công việc khác, nó bổ trợ cho nhau và tăng thêm hiểu biết cho mình.

Như hồi làm Vietnam Idol, tôi cũng được bổ trợ thêm kiến thức về âm nhạc. Tôi đọc được mấy cuốn sách, thấy được cái hay của format. Nói chung, nó cũng làm mình hứng thú.

Còn về đạo diễn sân khấu, tôi thường làm show cho ca sĩ là bạn bè. Event, tôi cũng nhận lời, nếu được trả nhiều tiền (cười).

– Cú bắt tay với Jack trong “Là một thằng con trai” mới đây có phải cũng là… cả nể?

– Có hai thứ để tôi làm với Jack. Một, Jack cũng là dân miền Tây, mà tôi lại gốc dân miền Tây. Hai là, khi nghe câu chuyện của Jack, tôi thấy thằng nhỏ cũng tội. Tôi rất thương nên muốn ủng hộ.

Kế đó, công ty quản lý của Jack cũng thân với tôi. Đó là công ty mà hồi tôi mới ra trường, họ đã cho việc để tôi làm.

Thời gian quyết định làm cho Jack MV này cũng rất ngắn vì trong giai đoạn đó Jack khó có thể tìm được ai làm kịp. Đó là lý do tôi nhận lời làm sản xuất với vai trò giám đốc sáng tạo. Nhưng tôi cũng mời Trần Thanh Huy về làm đạo diễn. Huy dù sao cũng trẻ trung hơn tôi mà.

– MV cũng được chú ý hơn vì có sự tham gia của Nguyễn Quang Dũng, phải không anh?

– Không (cười). Jack đang “hot” gần chết, làm sao mà tôi làm Jack “hot” hơn được.

– Nhưng, số đông cũng kỳ vọng nhiều hơn ở dấu ấn của thương hiệu điện ảnh Nguyễn Quang Dũng trong một MV?

– Thực ra, làm MV này cũng rất thú vị. Chúng tôi cũng ngồi tính với nhau rất nhiều và cũng có nhiều kịch bản. Sau đó, mới chọn ra các ý tưởng và cách làm. Cuối cùng, chúng tôi chọn làm một MV không nặng về câu chuyện vì nếu làm như vậy, khán giả chỉ coi MV mà không quan tâm đến bài hát.

Một MV hay, quan trọng là để người ta nhớ đến ca sĩ. Ở Là một thằng con trai, chúng tôi muốn tập trung vào Jack và âm nhạc của bạn ấy.

– Anh liệu có đi đường dài với Jack, nhất là khi nam ca sĩ cũng đang thiếu một giám đốc sáng tạo, một đạo diễn?

– Jack cũng cần tìm thêm người trẻ đồng hành. Bởi lẽ, khi mình trẻ mình cần người trẻ đi cùng. Tất nhiên người lớn cũng có cái hay của người lớn, cũng giúp được cái nọ cái kia. Nhưng người trẻ sẽ tốt hơn. Khi chúng ta cùng trang lứa, cùng nhau lớn lên sẽ thú vị hơn nhiều.

Trong lúc Jack chưa tìm được người thực sự hợp, có thể tôi sẽ giúp Jack vài việc. Nhưng tôi vẫn nghĩ Jack nên tìm cộng sự cùng thế hệ, để cùng nhau táo bạo, cùng nhau trưởng thành. Người già, như tôi, làm cùng người già sẽ hợp và tốt hơn (cười).

– Chẳng phải từ ghế nóng Vietnam Idol, anh vẫn được khen trẻ, nhất là trong gu thưởng thức âm nhạc?

– Về âm nhạc, có khi tôi trẻ hơn cả các bạn trẻ thật. Nhưng sự đồng hành mang nhiều nghĩa khác, trong đó, quan trọng nhất là sự lớn lên cùng nhau và cả sự vấp ngã cùng nhau.

Nguyễn Quang Dũng cho rằng khi nào còn gọi là MV, âm nhạc vẫn phải là giá trị quan trọng nhất, thay vì câu chuyện drama, kịch tính.

“Làm đạo diễn MV, muốn có tiền phải làm nhiều”

– Theo anh, trong một MV, vai trò của giám đốc sáng tạo có thực sự cần thiết?

– Cần thiết đó, kể cả bên điện ảnh cũng vậy. Ngày xưa, mình cứ quy hết về ông đạo diễn. Thôi thì, chỉ đạo diễn xuất, ý tưởng, ông đạo diễn làm là phải rồi. Nhưng concept ra sao, màu sắc thế nào thì phải có ông giám đốc sáng tạo tư vấn để đạo diễn chọn và làm.

– Nhưng thị trường MV hiện nay cũng rất khan hiếm giám đốc sáng tạo, nhất là khi các đạo diễn điện ảnh có nghề cũng chẳng mấy mặn mà và ít nhận lời với loại hình này?

– Hồi làm phim khổ, các đạo diễn cũng đi làm MV đấy. Trước đây, tôi cũng làm MV nhiều vì lúc đó phim khó khăn, mình phải đi kiếm tiền mà làm phim. Nhưng giờ thì đúng là các đạo diễn điện ảnh ít làm MV.

Nhưng nói vậy, bọn trẻ giờ làm MV cũng hay ghê. Tôi không dám làm MV nhiều nữa vì khéo mình làm lại không hay bằng bọn trẻ bây giờ.

– Nhưng Nguyễn Quang Dũng nhận lời làm cho Jack, hẳn vì cát-xê cũng thuyết phục?

– Nếu nhận vì tiền tôi phải lấy nhiều tiền lắm, họ không mời đâu. Cát-xê MV này tôi chỉ lấy cho ê-kíp làm, tôi không tính khoản tiền của mình.

Quan điểm của tôi là trong lúc người ta gấp gáp, khó khăn thì mình không nên ép. Sau này mà người ta dư dả thời gian, mà lúc đó mình không muốn làm, mình mới nên báo giá cao để người ta đi tìm người khác (cười).

Nói thật, tiền MV nó không đáng nếu so với làm phim, lương phim cao hơn nhiều. Làm đạo diễn MV mà muốn có tiền thì phải làm nhiều, tôi giờ sao mà làm nhiều MV được.

– Sự bùng nổ của MV đã hình thành một thế hệ đạo diễn chuyên trị loại hình này. Nhưng không khó để nhận ra những khoảng cách giữa đạo diễn MV và đạo diễn điện ảnh?

– Nó cũng là quan niệm khác nhau. MV phải là cái gì đó bay bổng, điện ảnh thì lại cần sự logic hơn. Hai quan hệ khác nhau, cách làm cũng khác nhau và giá trị cũng khác nhau.

– Giá trị lớn nhất của một MV, theo anh là gì?

– Với tôi, còn gọi là MV thì giá trị vẫn là âm nhạc. Một MV làm ra để cho người ta cảm thấy bài nhạc thú vị. Tôi nghĩ vậy. Drama, kịch tính cũng tốt nhưng phù hợp ở bên phim hơn.

Trước tôi làm MV cho Hồ Ngọc Hà, tôi cũng không thích làm câu chuyện nhiều. Tôi thường muốn làm những MV kiểu “beauty” (đẹp). Do vậy, tôi phù hợp làm với ca sĩ nữ hơn, nam giới tôi cũng không biết phải làm gì.

Đạo diễn Tháng năm rực rỡ từng có nhiều năm làm giám khảo các game show truyền hình. Nhưng, anh cho rằng game show hiện nay đang tự giết mình khi đưa lên YouTube.

“Game show Việt mất độc quyền khi đưa lên YouTube”

– Nguyễn Quang Dũng giờ không còn bận rộn làm giám khảo game show. Vì sao?

– Không ai mời, rất đơn giản (cười). Nhưng, thú thật, cũng có cái mình không nhận. Lương cho giám khảo game show bây giờ cũng rất khó để được trả cao như xưa vì game show giờ ít tiền hơn nhiều.

Với sau này, thành phần giám khảo cũng khác đi nhiều. Game show bây giờ tính chất cũng khác. Giám khảo bây giờ, phải làm nhiều hơn, phải vui hơn và cũng phải “ô, a”, diễn xuất nhiều hơn. Tôi, anh Quốc Trung hay Mỹ Tâm thì không làm được điều đó. Khả năng của mình có sao thì mình nói vậy.

Nếu không còn phù hợp nữa, thay đổi là bình thường. Nhưng một vài game show thân quen, thú vị tôi vẫn tham gia như Siêu trí tuệ Việt Nam chẳng hạn.

– Game show âm nhạc từng là bệ phóng tài năng, định hình thị trường nhưng giờ đã không còn vị trí như xưa. Theo anh là vì đâu?

– Thật ra thị trường truyền hình hiện nay đang bị bão hòa, tất cả các game show, chứ không riêng gì game show ca nhạc. Nền tảng số hiện nay rất khó để tìm nguồn tiền đầu tư cho truyền hình. Tiền kiếm được ít, game show ắt phải đi xuống.

Ngoài ra, truyền hình hiện nay đưa lên YouTube quá nhiều và quá rẻ, điều mà truyền hình các nước khác rất ít làm. Việc đưa lên YouTube, lúc đầu tưởng là thu thêm được một khoản tiền nhưng nó lại là cách truyền hình tự giết chính mình.

Khi khán giả quá dễ dàng để xem các game show trên mạng, tính độc quyền của truyền hình không còn.

Còn nói về bệ phóng tài năng, nhìn chung các cuộc thi hiện nay đều khan hiếm thí sinh tốt. Làm 1, 2 năm và 1, 2 show thì còn có tài năng. Làm liên tục thì rất khó có thêm người tài, do vậy, thường chỉ người cũ, người đã thi các cuộc khác mà rớt. May lắm mới có một vài gương mặt xuất sắc, tự nhiên ở đâu xuất hiện mà trước giờ chưa ai hay biết.

Nhìn chung, kinh phí và rating xuống, game show thay đổi dần nên Vietnam Idol hay The Voice dù từng đình đám ra sao cũng sẽ mất đi. Dần dần, các nhà sản xuất sẽ đi làm những game show an toàn, ít đầu tư hơn để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo được rating cần thiết.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
On Key

Bài Viết Liên Quan