Cầu Long Biên là một trong những chứng nhân lịch sử kết nối quá khứ và hiện tại, luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm trí người Hà Nội. Nhiều năm qua, cây cầu gồng mình, “khoác thêm” hàng chục, thậm chí hàng trăm ổ khoá tình yêu và những “dấu tích” của các cặp tình nhân để lại.
Cầu Long Biên – cây cầu lịch sử trong tâm trí người Hà Nội
Cho đến nay, cầu Long Biên vẫn luôn là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Trải qua 2 thế kỷ, cây cầu dần trở nên già nua, nhưng vẫn cần mẫn hàng ngày kết nối các phương tiện tàu hỏa, xe máy, xe đạp, xe thô sơ lưu thông từ bờ này sang bờ bên kia sông Hồng.
Khởi công xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1902, cây cầu thép bắc qua sông Hồng dài gần 2km do nhà thầu Daydé & Pillé thi công. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó và là một chứng tích lịch sử đối với người dân Việt Nam về một thời kì thuộc địa kéo dài gần một thế kỉ. Những tài liệu về bản vẽ thiết kế, thi công và trùng tu, tu bổ của cây cầu tới nay vẫn còn nguyên vẹn. Đây là những tư liệu nối tri thức lịch sử giữa quá khứ và hiện tại của công trình kiến trúc nổi tiếng này.
Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.
Mỗi ngày, hàng trăm người dân đi lại trên cầu, nhịp sống hối hả được tiếp diễn từng giây từng phút. Dù không được phép bán hàng rong, họp chợ trên cầu, nhưng thỉnh thoảng, các cô, các mẹ vẫn dắt xe đạp lên cầu, bày hoa quả, bánh trái kiếm khách.
Những ngày nắng nóng, người dân và du khách quốc tế kéo tới cầu Long Biên hóng gió và chụp ảnh. Sự xuống cấp của cầu “thách thức” nhiều tay máy, cảm giác đi giữa đường ray thường khá… rùng rợn.
Mỗi ngày, người dân và du khách đi lại rất đông trên cầu. Vào mùa hè, cầu mát mẻ nhờ đón gió từ sông Hồng.
Người dân và du khách đi qua cầu Long Biên rất đông mỗi ngày.
Cây cầu cũ “gồng gánh” hàng trăm ổ khóa khắc tên đôi tình nhân
Nhiều năm gần đây, cầu Long Biên không chỉ gánh trên mình nhiều dấu ấn lịch sử mà còn kiêm luôn “minh chứng” tình yêu cho nhiều đôi bạn trẻ. Dọc lan can cầu, hàng chục ổ khoá xuất hiện, mặt trên có khắc tên các cặp tình nhân. Sau khi gắn ổ khoá lên thành cầu, cặp đôi sẽ ném chìa khoá xuống sông với mong muốn tình yêu bền chặt. Cách thể hiện này xuất phát từ những cây cầu nổi tiếng cũng gắn đầy ổ khoá tình yêu như Pont des Arts (Pháp), Hohenzollern (Đức), Milvio (Ý) hay Tretriakovsky (Nga).
Trong khi đó tại Việt Nam, cây cầu tình yêu ở Đà Nẵng là nơi đầu tiên được phép gắn những ổ khoá tình yêu. Theo quan niệm của nhiều người, khi các cặp đôi cùng nhau đến đây và gắn lên đó những cặp ổ khóa ghi tên mình thì tình yêu của họ cũng trở nên bền vững và mãi mãi không tách rời.
Để tránh gây ảnh hưởng tới hiện trạng và mỹ quan của cầu Long Biên – cây cầu già nua có giá trị lịch sử đặc biệt, cơ quan chức năng đã phải tổ chức dọn ổ khóa. Tuy nhiên, các cặp đôi vẫn bất chấp để lại những ổ khoá tình yêu trên cầu.
Những ổ khoá này được xem là minh chứng tình yêu giữa 2 người. Sau khi khoá chặt, chìa khoá bị ném xuống sông với mong muốn tình yêu bền lâu.
Bên cạnh việc chứng minh tình yêu bằng ổ khoá, nhiều bạn trẻ còn khắc luôn tên mình cùng người thương lên nhiều vị trí khác nhau của cầu. Hoặc một nhóm khác quyết tâm để lại “dấu ấn” bằng những câu chữ đại loại như: “Tôi đã đến đây” kèm những ký hiệu khó hiểu. Theo thời gian, những ổ khoá bắt đầu hoen rỉ cùng cây cầu hơn 100 năm tuổi.
“Yêu nhau phải hiểu nhau, thông cảm, chia sẻ, tôn trọng nhau, biết sống vì nhau, ghen trong ý thức… thì tình yêu mới bền chặt. Còn một ổ khóa chứ hàng chục ổ khóa kèm theo một dây xích bằng vàng ròng cũng không khóa được nhau” – bạn Hà Linh chia sẻ.
“Mấy cái khóa hoen rỉ chẳng có tác dụng gắn kết gì, chỉ làm cho cây cầu thêm vất vả phải chịu tải nặng hơn. Ở nước ngoài một số cây cầu bị khóa quá nặng có nguy cơ sập cầu, các cơ quan chức năng phải dỡ bỏ khóa đi, gây tốn kém công sức” – bạn Minh Quân nói.
Cầu Long Biên được xem là một trong những di tích lịch sử, tuy nhiên trên cầu xuất hiện rất nhiều hình vẽ, câu chữ kèm ký hiệu khó hiểu.
Khoá và những dòng chữ xuất hiện khá dày đặc dọc thành cầu.
Những ký hiệu vô nghĩa được vẽ bằng bút xoá. Theo nhiều chuyên gia, có những công trình buộc phải phá bỏ do không thể trùng tu.
“Mãi mãi một tình yêu”…
Những ổ khoá này không biết có thể giúp các cặp đôi bên nhau mãi mãi hay chưa, nhưng trước mắt khiến cầu Long Biên càng thêm trĩu nặng.