Đương nhiên là không ai muốn chi ngần ấy tiền cho một chiếc hamburger, tuy nhiên đằng sau nó là nỗ lực không ngừng của con người vì mục đích lớn lao hơn.
Một chiếc hamburger bình thường có giá trung bình từ khoảng 40 – 50 nghìn đồng, hoặc rẻ hơn chút nếu mua ở những cửa hàng không thuộc diện thương hiệu lớn như McDonald, Burger King… Thậm chí, đến cả những hãng này đôi khi cũng có lựa chọn menu dưới 1 USD (tương đương 23 nghìn đồng). Đắt hơn thế, ta có những chiếc hamburger từ nhà hàng hạng sang với các loại nguyên liệu quý hiếm thượng hạng như hamburger bò Kobe được nghe nhạc và mát xa mỗi ngày, hay hamburger nấm truffles được mệnh danh là “viên kim cương nhà bếp”. Tuy nhiên có là “sơn trân hải vị” thì những chiếc hamburger này cũng chỉ dao động từ khoảng 100 USD tới 200 USD (không tính đến những phiên bản hamburger khổng lồ giá lên đến nghìn đô).
Ấy vậy mà, có một chiếc hamburger hết sức bình thường từ bánh mì cho đến miếng thịt kẹp lại có giá đến 330,000 USD (gần 8 tỷ đồng).
Được biết, nguyên liệu làm nên miếng thịt này được đánh giá là “kém” hơn cả thịt bình thường từ các cửa hàng thức ăn nhanh, khi mà có vị nhạt, không có kết cấu phức tạp như thịt của những con bò được cho ăn cỏ và được đi loanh quanh. Miếng thịt này được đánh giá là “một phần mô cơ” không hơn không kém, thậm chí còn chẳng có màu tự nhiên của thịt bò thật.
Hẳn phải là vậy, bởi miếng thịt này không đến từ bò sống được thịt bởi các nhà cung cấp rồi mang đến nhà hàng. Miếng thịt này được đưa tới trong một đĩa thí nghiệm vô trùng, bởi các nhà khoa học mặc áo choàng trắng. Đó là miếng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm đầu tiên, được giới thiệu bởi tiến sĩ giáo sư Mark Post (đại học Maastricht, Hà Lan) trong một dự án phối hợp với công ty Mosa Meat (Hà Lan) vào năm 2013.
Ý nghĩa nhân văn phía sau miếng thịt nặng hơn 100g giá 8 tỷ đồng
Theo như Liên Hợp Quốc, vào giữa thế kỷ 21 sẽ có khoảng 9 tỷ người trên Trái Đất, đồng nghĩa với lượng thịt được tiêu thụ sẽ tăng lên đến 130% chỉ trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyện này có thể kéo theo nhiều vấn nạn về môi trường như việc xâm lấn rừng, bỏ đi mảng xanh để có không gian chăn nuôi. Mặt khác, nghiên cứu này cũng có ý nghĩa về mặt nhân đạo, được nhiều người xem là câu trả lời cho một số những vấn đề gây tranh cãi xoay quanh ngành công nghiệp thịt.
Giáo sư Post cho rằng: “Những điều mà chúng tôi đang cố gắng làm hiện tại là rất quan trọng bởi vì tôi hi vọng thịt phòng thí nghiệm (cultured beef) sẽ là câu trả lời cho nhiều vấn đề mà thế giới đang đối mặt.”
Được biết, những miếng thịt bò này được làm từ những tế bào mô cơ lấy từ bò sống, không hề bị thay đổi về cấu trúc sinh học. Để kế hoạch này thành công, các nhà khoa học đã phải cố gắng để khiến miếng thịt nhìn, có cảm giác và hương vị giống với thịt “thật” (dù thịt thí nghiệm vẫn là tế bào thịt chứ không được làm từ các loại rau củ như thịt chay trên thị trường).
Hương vị của thịt bò phòng thí nghiệm là như thế nào?
Cách đây vài năm, một buổi họp để thử món thịt làm từ phòng thí nghiệm đã được tổ chức, hai người đại diện thử thịt là nhà báo ẩm thực Josh Schonwald và nhà nghiên cứu ẩm thực Hanni Rützler. Trong đó, Schonwald đã bình luận rằng: “Chiếc burger này có vị rất nhạt và trung lập. Điều khiến nó giống với thịt bò thật nhất là kết cấu. Khi cắn vào, tôi đã rất ấn tượng với hương vị và độ đặc của thịt tương tự như thịt thật.”
Hình ảnh thịt phòng thí nghiệm ở buổi thử thịt vào năm 2013. Nguồn ảnh: New Atlas.
Trong buổi thử hôm ấy, miếng thịt đã được chiên bằng chảo và kẹp trong bánh hamburger cùng bắp cải và cà chua. Mặc dù hương vị chiếc bánh được đánh giá là không tệ, nhưng nhiều người đồng ý rằng nó không thể bằng hamburger với thịt thật nếu so sánh về hương vị. Thịt thật có kết cấu phức tạp, được cấu thành từ mỡ, mô cơ và nhiều thành phần khác, hình thành trong quảng đời của một con bò từ khẩu phần ăn cũng như hoạt động thường ngày của nó. Trang Independent đã nói, “phần thịt thí nghiệm ban đầu trông giống như mọt phần mỡ thận bò (suet) mềm oặt, được pha trộn cùng muối, vụn bánh mì, caramel và một số gia vị cùng nguyên liệu khác. Kết quả cuối cùng trông giống một phần thịt bò nghiền/bằm đã được nêm nếm”.
Sau nhiều năm, có vẻ như thịt bò phòng thí nghiệm cũng đã sẵn sàng để được tung ra thị trường (hi vọng là với giá rẻ hơn). Mới đây, trang Independent (Nhật báo Ireland) đã dự đoán rằng hamburger làm từ thịt phòng thí nghiệm có thể sẽ được bán đại trà ở các nhà hàng vào năm 2021, với những “update” về hương vị cũng như phương pháp chế tạo lượng lớn thịt phù hợp cho sản xuất đại trà.
Bạn nghĩ thế nào về sản phẩm thịt phòng thí nghiệm này?