TP.HCM và Hà Nội đang khoác trên mình màu sắc hiện đại xen lẫn sự hoài cổ. Vẫn còn đó những đại lộ, kiến trúc đặc trưng từ thời Pháp, hòa mình trong các tòa nhà “chọc trời” xen lẫn những khu trung tâm thương mại sầm uất.
Chính nét văn hóa độc đáo pha trộn giữa xưa và nay này đã giúp phong cách vintage tồn tại trong lòng các tín đồ thời trang Việt.
Sự trở lại của xu hướng vintage
Giữa muôn vàn phong cách hướng đến tinh thần vị lai, nhiều cô gái sành điệu vẫn dành sự yêu thích đặc biệt với vintage. Dù là xuân – hè hay thu – đông, những bản phối ấn tượng mang nét giao hòa giữa quá khứ và hiện tại vẫn luôn hiện diện trong tủ đồ của phái nữ.
Vài năm trở lại đây, trang phục vintage trở thành xu hướng thiết kế của các nhà mốt quốc tế và giúp họ định hình gu ăn mặc trong thời đại mới. Mối giao thoa giữa cổ điển và hiện đại làm nên sự mới lạ, thời thượng cho thời trang nam và nữ giới.
Trong cái mới có cái cũ và ở tương lai luôn có hình dáng của quá khứ, tinh thần này đã được các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Gucci, Louis Vuitton… lăng xê trên sàn diễn, hay “đào lại” cảm hứng thẩm mỹ xưa cũ, để từ đó giúp giới mộ điệu không quên đi những năm tháng rực rỡ của thời trang.
Người ta có thể tìm ra nhiều lý do để yêu thích trang phục cổ điển. Từ chất lượng của cấu trúc vải cho đến vẻ đẹp tinh tế, cổ điển của phong cách thời trang này. Nhìn vào bề dày lịch sử hơn 100 năm làm nên vẻ đẹp của vintage càng khiến giới mộ điệu thêm yêu thích hơn.
Các nhà mốt quốc tế luôn lấy cảm hứng thiết kế từ xu hướng thời trang xưa cũ. Ảnh: Vogue. |
Cảm hứng thẩm mỹ từ những thập niên cũ
Hòa vào sự phát triển không ngừng của xã hội và các xu hướng thời trang đương đại, giới trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn cũng như sự tự do sáng tạo trong lĩnh vực thời trang.
Tuy nhiên, không vì thế mà những xu hướng đình đám năm 1980, 1990 bị rơi vào quên lãng. Một phần đông người trẻ vẫn hâm mộ những nét cổ xưa pha lẫn sự hiện đại, mới mẻ và độc đáo.
Chi Pu, Quỳnh Anh Shyn là những tín đồ chuộng trang phục hoài cổ. Bởi tinh thần thời trang của thập niên cũ luôn là giá trị cốt lõi giúp thể hiện tính cá nhân, xóa mờ ranh giới nam nữ.
Giai đoạn 1980 đánh dấu sự ra đời của định nghĩa phụ nữ hiện đại: Make up tinh tế, suit sành điệu, giày cao gót mũi nhọn, nước hoa hay một bộ trang phục thoải mái, miễn sao họ vẫn có thể khoe được điểm mạnh của bản thân mà không bị ràng buộc bởi ánh nhìn khắt khe trong xã hội.
Chi Pu và Quỳnh Anh Shyn là những cô nàng chuộng phong cách vintage. Ảnh: @chipupu, @quynhanhshyn.
Ngoài ra, hầu hết trang phục của người Việt đều chứa đựng nét đặc trưng từ các thập niên trước. Nhiều bức ảnh được chụp trong những năm tháng xưa cũ ở TP.HCM, cho thấy phụ nữ lúc này thường chuộng mặc đầm ngắn và chân váy chữ A lấy cảm hứng từ thiết kế của André Courrèges hoặc trang phục truyền thống áo dài cũng phản ánh nét bay bổng trong phong cách thời trang sang trọng, thanh lịch tại Pháp. Một quan niệm sai lầm khi cho rằng giới trẻ hiện nay chỉ chọn mua những món hàng theo xu hướng và phong cách mới nhất. Ngày nay, với vòng tuần hoàn của thời trang, một bộ trang phục mang âm hưởng của thập niên từ 1960 đến 1990 lại được các bạn trẻ đón nhận cuồng nhiệt. Rất nhiều tín đồ Việt đang tìm về hình ảnh xưa cũ của cha mẹ để lấy cảm hứng. Không còn sự xuất hiện “đơn độc” của xu hướng streetwear hay techwear, thế hệ trẻ mang lại những màn trình diễn thời trang đường phố với sự pha trộn của nhiều phong cách độc đáo từ xưa đến nay. Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và tôn thờ những nét đẹp hoài cổ, mọi người ngày càng thay đổi suy nghĩ, có góc nhìn hiện đại hơn dành cho các items tưởng chừng chỉ cất tủ làm kỷ niệm. Bằng cách nào đó, trong một đô thị phát triển với tốc độ chóng mặt, sự thoải mái và khả năng thích ứng vô tận của trang phục cổ điển trở thành xu hướng hoàn hảo.
|