Aloha là lời chào đẹp đẽ của người dân đảo Hawaii, Mỹ. Nó cũng được biết đến như tên gọi của một trong những chiếc áo phổ biến nhất toàn cầu – sơ mi Aloha (hoặc sơ mi Hawaii). Bắt nguồn từ loại vải để may đồ nữ, chiếc áo nhanh chóng trở thành cơn sốt với phái mạnh trên toàn thế giới.
“Đứa con” hỗn tạp
Gọi sơ mi Aloha là sự hỗn tạp bởi nó được sinh ra ở đảo Hawaii – nơi có rất đông dân nhập cư, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Philippines… Sự pha trộn trong cộng đồng cũng ảnh hưởng nhiều đến văn hóa trên những chiếc áo Aloha.
Áo Aloha là “đứa con” mang màu sắc văn hóa pha trộn. Ảnh: Lonely Planet. |
Ai đã làm nên chiếc áo Aloha đầu tiên vẫn còn là bí ẩn. Nguồn gốc của nó hầu như không được ghi chép trong lịch sử. Nhiều tài liệu chỉ có thể khẳng định chiếc áo đã xuất hiện vào những năm 1920 hoặc 1930. Theo Margaret Young – một cư dân ở đảo Hawaii, người đầu tiên sở hữu chiếc áo này có tên Gordon Young (không phải họ hàng).
Khi ấy, chiếc áo chưa đa dạng mẫu như bây giờ. Gordon Young có tạng người khá to. Do đó, những thợ may của mẹ anh ta đã làm áo rộng để Young cảm thấy thoải mái. Chiếc áo được làm bằng yukata cotton – loại vải chuyên để may kimono cho phụ nữ Nhật Bản.
Phiên bản đầu tiên của sơ mi Aloha làm từ vải khổ hẹp, sử dụng họa tiết hình học, cây cối trên nền màu trắng. “Chiếc áo nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán ở Đại học Washington vào năm 1926”, cô nói.
Một số câu chuyện khác nói người đầu tiên làm ra áo Aloha là Musa-Shiya Shoten – một thợ may Nhật Bản ở trung tâm thành phố Honolulu, Hawaii. Tờ quảng cáo “áo sơ mi Aloha” của tiệm may này được đăng trên báo Honolulu Advertiser vào tháng 6/1935. Ông Musa-Shiya Shoten nhấn mạnh những chiếc áo của mình “được thiết kế riêng, là sản phẩm đặc biệt cho du khách”. Mỗi chiếc khi ấy có giá 0,0041 USD.
Musa-Shiya Shoten từng đăng quảng cáo về chiếc áo có tên Aloha. Ảnh: The Aloha Shirt. |
Dolores Miyamoto – vợ của Shoten – kể mình từng may áo cho Shirley Temple (nữ diễn viên nhỏ tuổi nhất đoạt giải Oscar) vào những năm 1930. John Barrymore – một diễn viên nổi tiếng khác – cũng từng ghé thăm hàng may của ông bà.
“Ông ấy chỉ vào loại vải kabe crepe chính gốc của Nhật và yêu cầu chiếc áo đặc biệt cho riêng mình. Khi ấy, chúng tôi vẫn còn chưa làm áo in hình”, bà kể lại.
Câu chuyện thứ 3 về sự ra đời của sơ mi Aloha lại liên quan đến văn hóa Philippines. Đó là câu chuyện về Ellery Chun – doanh nhân gốc Hoa – và cửa hàng King-Smith Clothiers. Trong cuộc phỏng vấn năm 1964, Chun kể mình từng chú ý đến cách ăn mặc của nam sinh bản địa và những người gốc Philippines.
“Người địa phương mặc áo sơ mi giản dị bằng challis – loại vải dệt nhẹ của Nhật. Trong khi đó, các nam sinh Philippines lại ưa chuộng những chiếc áo có vạt màu rực rỡ, gọi là bayau”, ông nói.
Chun nhớ lại câu chuyện về người thợ may đã làm ra chiếc áo sơ mi đầu tiên bằng chất liệu kimono từ đầu những năm 1930. Do đó, ông quyết định kết hợp chất vải nhẹ của Nhật Bản và màu sắc từ bayau để làm thành áo sơ mi bán sẵn. Loạt áo này được Chun đặt tên “sơ mi Aloha”. Chúng được treo ở cửa hàng King-Smith Clothiers của cha ông và trở thành món đồ ưa thích với khách du lịch.
Ellery Chun chính là người đầu tiên đăng ký bản quyền nhãn hiệu “Aloha Sportswear”, “Aloha Shirt” vào năm 1936 và 1937. Năm 2000, khi Chun mất ở tuổi 91, tờ New York Times còn dành riêng một bài viết để tưởng nhớ ông – người đã khiến những chiếc áo Aloha trở nên phổ biến.
Chiếc áo nữ tính thời thượng
Dù nổi tiếng với khách du lịch đến Hawaii, loại áo sơ mi này chỉ thực sự thành hiện tượng khi được bán ở đất liền từ giữa những năm 1930. Thời điểm đó, nước Mỹ đang trong tình trạng khó khăn, những người đàn ông trụ cột gia đình phải vật lộn để duy trì cuộc sống.
Với bối cảnh đó, sự nam tính cần được đề cao hơn những thứ màu mè như áo Aloha.
“Tốt hơn, bạn nên mua khoảng 2-3 chiếc. Con gái, mẹ hay vợ bạn có lẽ sẽ thích chiếc áo màu mè này ngay khi thấy nó”, tờ Los Angeles Times đã châm chọc những người đàn ông mặc áo Aloha vào năm 1936.
Từng có thời điểm, áo Aloha chỉ dành cho những người giàu đi du lịch Hawaii. Ảnh: Desispeaks. |
Bất chấp bối cảnh xã hội không phù hợp, chiếc áo Aloha vẫn trở thành hiện tượng lớn trong những năm 1940 với doanh thu khoảng 11 triệu USD (tính theo tỷ giá ngày nay).
Bên cạnh đó, chiếc áo Aloha cũng được xem như biểu tượng của sự giàu có. Những năm 1930, việc du lịch Hawaii với người Mỹ không phải điều đơn giản. Họ phải là những người giàu có. Khi người giàu mặc một thứ gì đó, nó nhanh chóng trở thành xu hướng.
“Nếu bạn có thể sở hữu thứ người đàn ông không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng đang mặc, nữ tính chẳng phải là vấn đề. Bạn trông giống một người chẳng thèm bận tâm việc mình có nam tính không”, Dale Hope – nhà sử học, tác giả cuốn sách Aloha Shirt: Spirit of the Islands – nói về lý do những chiếc áo Aloha trở nên phổ biến.
Và khi những chiếc áo đã xuất hiện ở khắp nước Mỹ với giá chỉ 1 USD, ai cũng có thể dễ dàng sở hữu nó thay vì cất công đến Hawaii.
Ban đầu, những chiếc áo Aloha mang đậm màu sắc văn hóa Nhật Bản. Dù vậy, điều này không còn phù hợp sau trận Trân Châu Cảng năm 1941. Những họa tiết hoa đào, đền thờ kiểu xứ phù tang bị xóa bỏ. Thay vào đó, văn hóa địa phương ở Hawaii như các loài hoa, ôtô, bia, rượu… được khách hàng ưa chuộng.
Nhiều hãng thời trang lớn cũng ra mắt bộ sưu tập áo Hawaii của riêng mình. Ảnh: Pause Online. |
Sau gần 90 năm kể từ lần đầu xuất hiện, áo Aloha vẫn khẳng định được tầm ảnh hưởng với làng thời trang quốc tế. Trong những năm qua, nhiều thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Dior đến các hãng streetwear gồm Supreme hay A Bathing Ape… đều tung ra thị trường thiết kế sơ mi Aloha độc đáo.
“Mọi người đều muốn cuộc sống thêm phần màu sắc và vui tươi. Điều này thực sự cần thiết. Chiếc áo sơ mi Aloha có thể làm điều đó. Sức mạnh của nó thật sự đáng kinh ngạc”, tổng giám đốc Kahala – một trong những thương hiệu sản xuất áo Aloha đầu tiên trên thế giới – nhận xét.