Mỗi ngày trôi qua luôn đầy ắp những nỗi lo toan, bận bịu, thế nhưng đó không phải là lý do để chúng ta quên đi việc tận hưởng cuộc sống. Ai đó từng bảo rằng “nếu ban ngày bạn dành thời gian cho thế giới, thì buổi tối hãy dành thời gian cho chính mình”. Đó là lý do mà ngày càng có nhiều hình thức giải trí nightlife được ra đời.
Khi thành phố lên đèn là “dân chơi” lên đồ! Các anh chị em mê quẩy lại rủ nhau đi bar, lên club, hay là vào lounge, vào pub. Tất cả đều được hiểu là những nơi để uống rượu, để chill hay quẩy, trút bỏ những mệt mỏi, những căng thẳng trong cuộc sống. Vậy thì tại sao lại có quá nhiều khái niệm như vậy? Sao không gọi bằng một cái tên cho đỡ mệt?
Đấy là vì bạn chưa biết đến những điểm khác nhau rất rõ ràng giữa bar, club, lounge và pub. Vậy thì hãy cùng “giải ngố” nào!
Bar – Mỗi món đồ uống như một câu chuyện mà Bartender chính là “tác giả”
Đây là một khái niệm thường bị nhầm lẫn nhiều nhất. Rất nhiều người thường gọi những nơi bán rượu tập trung với nhiều người đến nhảy và quẩy trong tiếng nhạc sôi động là bar, thật ra đó là club. Còn bar thì khác!
Khái niệm “bar” ra đời vào năm 1592 khi nhà soạn kịch Robert Greene đề cập trong A Noteable Discovery of Coosnage. Bar được hiểu đơn giản là một nơi bán nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu vang, cocktail… nhưng đặc biệt hơn ở chỗ, mỗi quán bar sẽ chuyên về một loại rượu đặc trưng. Ví dụ, quán chuyên về Tequila sẽ có nhiều món đồ uống, cocktail pha với Tequila. Tương tự, quán chuyên về Gin sẽ dùng rượu Gin làm thức uống chủ đạo.
Quán bar
– Mỗi quán sẽ chuyên về một loại rượu đặc trưng
– Bartender được coi như “linh hồn” của quán bar
– Một số địa điểm gợi ý: Jigger Cocktail & Wine Bar (59 Nam Ngư), Hair of the Dog (Mã Mây, Hà Nội), Nineteen bar (19 Chả Cá, Hà Nội)…
Không phải một nơi quá sôi động như club, quán bar là nơi người ta thường vào để thưởng thức các đồ uống có cồn. Bartender sẽ tạo ra những món đồ uống khác nhau từ loại rượu đặc trưng của quán, dựa trên câu chuyện riêng hay cảm xúc mà quán muốn truyền tải đến khách hàng. Thế nên, nhiều người còn coi việc thưởng thức các đồ uống này như là đang nghe một câu chuyện với các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Club – “Thế giới” của sự sôi động, nhộn nhịp
Đây mới thật sự là khái niệm của nơi dành cho dân quẩy, ưa sự nhộn nhịp và sôi động.
Club (câu lạc bộ) là nơi sở hữu một không gian rộng để các vị khách thoả sức phô diễn các điệu nhảy, hoà mình vào tiếng nhạc. Điểm nổi bật của club không nằm ở đồ uống, mà nằm ở không gian và âm nhạc.
Club
– Nơi có không gian rộng, âm nhạc hay và thật sự thu hút
– DJ chính là “linh hồn” của các club
– Một số địa điểm gợi ý: 1900 Le Theater (số 8 Tạ Hiện, Hà Nội), The Opera Club (18 Lương Ngọc Quyến), IP Club (41 Hai Bà Trưng), Luxury Club (70 Lý Thường Kiệt), Hero Club (42M Yên Phụ)…
Một club không nhất thiết phải có đồ uống ngon, nhưng nhất định phải có âm nhạc hay. Với club, người DJ chính là “diễn viên chính”, là “host” giúp các vị khách có được một buổi tối sôi động, cháy hết mình.
Lounge – Nơi dành cho “dân chơi hệ VIP”
Thật ra, ban đầu thì lounge được hiểu là một khu vực dành cho khách hàng VIP của các khách sạn hoặc sân bay. Ngày nay, nó còn phát triển thành một hình thức độc lập, nhưng vẫn giữ nguyên đặc trưng là dành cho các khách hàng cao cấp. Cũng vì thế mà không gian của lounge được thiết kế theo lối sang trọng và tinh tế, đặc biệt đề cao sự riêng tư. Tất nhiên, giá cả cũng thuộc hàng “cao cấp” rồi.
Đặc trưng của lounge là một nơi có sự kết hợp giữa quán bar và quán cà phê, không quá ồn ào nhưng cũng không quá yên tĩnh.
Lounge
– Có sự kết hợp giữa quán bar và quán cà phê, không quá ồn ào nhưng cũng không quá yên tĩnh
– Nơi dành cho các khách hàng cao cấp
– Không gian riêng tư, được thiết kế sang trọng, tinh tế
– Một số địa điểm gợi ý: SEP Lounge (số 9 Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội), Camelia Lounge (44B Lý Thường Kiệt)…
Pub – Chốn để chill với giá cả cực bình dân
Pub là từ viết tắt của Public House, có nghĩa là “ngôi nhà cộng đồng”. Trong 4 loại hình, có thể nói, pub là nơi có giá thành khiêm tốn nhất, phù hợp với phần đông các đối tượng.
Tại pub có bán đủ các loại đồ uống, từ đồ có cồn, không có cồn cho đến các món ăn nhẹ. Thậm chí, ở nhiều nước phương Tây, pub còn được hiểu là một quán ăn có bán rượu (thay vì là một quán rượu bán đồ ăn).
Pub có thể mở cả sáng, trưa, tối và cả đêm.
Pub
– Giá thành khiêm tốn
– Bán cả đồ uống có cồn và không có cồn, có cả đồ ăn nhẹ
– Một số địa điểm gợi ý: Polite & Co (5B ngõ Bảo Khánh), Prague Pub (38 Lương Ngọc Quyến), Acid Pub (116B C8 Giảng Võ)…