Nhìn lại loạt drama bên lề của phim Việt suốt từ năm ngoái đến giờ, những dự án ra mắt khán giả cho đến nay khó lòng biết gọi là “phim” hay “trò”.
Như một thông lệ bất thành văn, Tết Nguyên đán hàng năm luôn là khoảng thời gian vàng để các nhà làm phim cho ra mắt loạt sản phẩm chạy đua phòng vé. Năm nay cũng không phải trường hợp ngoại lệ khi có tới bốn tác phẩm đồng loạt tham gia vào đường đua phim Tết. Có điều, đường đua năm nay ồn ào trông thấy bởi câu chuyện drama đầu năm quanh hai phim điện ảnh Trạng Quỳnh và Cua Lại Vợ Bầu. Thứ drama này còn căng thẳng hơn cả các tình tiết phim cung đấu – nơi các “phi tần” hăng say kêu oan tranh sủng – còn ở đây, khán giả thì chẳng biết ai đúng ai sai. Chỉ biết rằng Tết này ngoài các ồn ào từ các nhân vật liên quan hai ekip này, khán giả chứng kiến thêm cuộc chạy đua phi vũ trang bằng số liệu, liên tục hai bên công khai con số doanh thu cán mốc hết kỉ lục này đến kỉ lục khác. Làng phim Việt đầu năm vừa sôi động nhộn nhịp, nhưng cũng không kém phần xấu xí.
Drama bên lề và những điều mà ekip làm phim Việt thu về
Suốt mấy ngày đầu năm, “thủy quân” là cụm từ gây sốt nhất không chỉ với fan phim ảnh mà còn lan toả ra các mạng xã hội. Dĩ nhiên, thủy quân ở đây cần được hiểu theo một ý nghĩa mới, ám chỉ nhóm người chuyên đi công kích có chủ đíchvà được trả tiền trên mạng xã hội. Nhóm người được danh hài đình đám Trấn Thành nhắc đến trong dòng tâm thư về việc bộ phim của anh ta bị chơi xấu bởi một thế lực ngầm khủng khiếp nào đó. Khoan bàn về chuyện thế lực ngầm đó là ai, chỉ biết quan sát thấy được, sau khi kêu oan, phim của anh chàng vừa tự hào công bố đã cán mốc doanh thu 176,5 tỷ – đạp đổ tượng đài Em Chưa 18. Rõ ràng là các lùm xùm quanh dự án đóng vai trò như một chiêu truyền thông hữu hiệu, từ những bức xúc, chiêu trò doạ kiện chẳng phân được thật giả, con số thu về cho các nhà sản xuất ít nhiều là thứ thật sự “thấy được”.
Tuy nhiên cũng phải nói rõ, không phải drama nào cũng mang lại hiệu quả lợi nhuận như vậy, chưa kể về mặt hình ảnh, sau những ồn ào bên lề sản phẩm, công chúng cũng dần hình thành cái nhìn khác đi về những sự vụ không đẹp đẽ đã qua và sắp tới.
Nói đến kiện cáo, lại nhớ câu chuyện của nửa năm trước khi đâu đó trong showbiz Việt có một bộ phim bị khán giả nhiệt tình tẩy chay vì drama tình tay ba của cặp diễn viên chính còn kịch tính hơn nội dung bộ phim mà thời điểm đó có hai gương mặt Kiều Minh Tuấn – An Nguy tham gia đóng chính. Có lẽ chẳng cần nhắc tên hay kể lại thì khán giả cũng đã quá nằm lòng drama này rồi chỉ có điều đến tận bây giờ người ta vẫn chẳng biết cái kết của câu chuyện lộn xộn này.
Ở các nền điện ảnh phát triển, “drama” bên lề luôn đi kèm cái giá
Tại Hàn Quốc, một đất nước nổi tiếng với sự khắc nghiệt trong giới showbiz, người thuộc ekip làm phim chỉ cần một lần vạ miệng cũng đủ để cả dự án tan tành, kể cả đó là phim mang đầy niềm kiêu hãnh về cho xứ Hàn The Merciless. Từng nhận được tràng pháo tay dài 7 phút ở LHP Cannes, dự án vẫn rơi vào thảm cảnh ế ẩm tại quê nhà vì phát ngôn “thiếu suy nghĩ, bình luận khiếm nhã, tục tĩu và gợi dục” của vị đạo diễn trẻ Byun Sung Hyun trước đó. Dù đã cúi đầu xin lỗi và cầu xin khán giả đừng quay lưng với tác phẩm của mình, The Merciless vẫn ế ẩm ngay trên đất mẹ.
Tự mình vạ miệng, tự mình trả giá cũng là chuyện dễ hiểu nhưng showbiz Hàn còn khắc nghiệt đến độ tẩy chay một người vì gốc gác của họ. Năm 2017, có một nguồn tin cho biết diễn viên nổi tiếng Kang Dong Won nằm trong danh sách những người thân Nhật trong chiến tranh Hàn – Nhật. Thông tin này đã làm bùng lên làn sóng tẩy chay nam tài tử tại quê nhà. Nhiều người yêu cầu anh rút khỏi ngành giải trí dù phía Kang đã gập đầu xin lỗi còn YG thì làm mọi cách để gỡ những bài đăng liên quan. Vậy mới thấy muốn sống trong showbiz Hàn không hề dễ dàng chứ đừng nói đến việc làm trò để câu kéo khán giả.
Đầu năm ngoái, tại Hàn Quốc và rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã rộ lên trào lưu #MeToo nơi các nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng kêu oan cho bản thân mình. Chính trào lưu này đã góp phần đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của rất nhiều đạo diễn, diễn viên, biên kịch nổi tiếng. Một Choi Il Hwa lừng danh bị đuổi khỏi dự án phim Hold Me Tight, mất chức giám đốc ở Hiệp hội Diễn viên Hàn Quốc và cố vấn học thuật tại Đại học Sejong sau khi thú nhận từng quấy rối tình dục. Nam diễn viên nổi tiếng Jo Min Ki, vị giáo sư “đáng kính” của Đại học Cheongju bị đuổi khỏi bộ phim Children of a Lesser God, mất chức danh giáo sư, mất hợp đồng sau khi bị 20 học viên của mình cáo buộc tội cưỡng hiếp. Cảnh sát sờ gáy, khán giả tẩy chay, sự nghiệp tiêu tùng, Jo tự kết liễu đời mình trong tủi nhục.
Oh Dal Soo, người có số lượng phim trên 10 triệu vé nhiều bậc nhất tại Hàn Quốc bị đuổi khỏi dự án My Ahjusshi vì phạm tội tương tự “giáo sư” Jo. Phần hai của bom tấn Thử Thách Thần Chết dù đã quay xong cũng phải cắt bỏ mọi cảnh quay của Oh và tiến hành ghi hình lại.
Jo Jae Hyun sau khi bị cáo buộc tội quấy rối và thừa nhận “Tôi đã sống một cuộc đời sai trái” thì lập tức bị đuổi khỏi bộ phim đang đóng chính là Cross và mất chức giám đốc điều hành của Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế DMZ cũng như giáo sư Đại học Kyungsung. Nam tài tử Park Shi Hoo sau khi bị kiện tội cưỡng hiếp đã trở thành cái tên bị cả Hàn Quốc tẩy chay, ngay cả khi người phụ nữ trong vụ án rút đơn kiện. Mất vị thế ở Hàn, anh sang Trung Quốc tìm đất dựng võ, đến năm 2015 mới dám về nước thế nhưng khán giả vẫn nhất quyết không tha thứ cho những tội lỗi trong quá khứ của Park.
Tạm gác Hàn Quốc xa xôi sang một bên, trở về với quốc gia láng giềng tình thân mến thương của Việt Nam, Trung Quốc, đây cũng là một nơi mà khán giả chẳng thể tha thứ cho những kẻ thích làm phim nhưng lại ưa làm trò. Phạm Băng Băng sau bê bối trốn thuế thì bị công chúng xếp vào hàng kẻ không đủ đạo đức trở thành người nổi tiếng, bộ phim sắp lên sóng của Phạm gia cũng cứ mãi hoài mà “đắp chiếu”. Nam diễn viên đang nổi Tưởng Kình Phu vướng phải nghi án bạo hành bạn gái, sự nghiệp tiêu tan năm 26 tuổi, bị cả Trung Quốc tẩy chay, ném đá và vướng vào cảnh tù tội. Ngô Tú Ba từ diễn viên nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc bỗng dưng trở thành kẻ trắng tay khi loạt dự án sắp phát hành của ông đều bị đông cứng trước nghi án ông ngoại tình cùng lúc với ba người phụ nữ trẻ.
Kể cả từ cái nôi điện ảnh Hollywood đến các kinh đô mới của nghệ thuật thứ bảy ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật người ta đều nói không đến việc lợi dụng chiêu trò để PR cho sản phẩm. Thậm chí ngay cả với những scandal ngoài ý muốn thì vẫn có thể khiến khán giả nổi đóa đến độ tẩy chay người làm phim và tác phẩm của họ. Biết bao dự án đã vĩnh viễn đắp chiếu, biết bao nghệ sĩ phải giã từ sự nghiệp thậm chí là kết liễu cuộc đời. Khán giả không màng lời giải thích, không chờ ngày scandal lắng xuống, không đợi sự thay đổi, thứ họ cần là sự văn minh, sạch sẽ của người làm nghệ thuật. Trong khi đó, tại Việt Nam, vốn vẫn là một thị trường “đang lớn”, những phát ngôn gây sốc lại là “đặc sản” mà người ta tranh nhau tung ra mỗi khi sắp ra mắt sản phẩm mang danh nghệ thuật. Drama giờ đây như một món chính, còn thứ đáng lẽ phải tự hào vỗ ngực là tác phẩm, lại hiện lên như một “bữa phụ” đối với công chúng Việt?
Muốn phim Việt phát triển, hãy làm phim, chứ đừng làm trò!
Thay vì đầu tư nội dung, cống hiến cho khán giả một bộ phim chất lượng, các nhà sản xuất lại tập trung dùng diễn viên để tạo chiêu trò nhằm lôi kéo khán giả ra rạp. Biết rằng chẳng có luật nào cấm drama, ngăn chiêu trò, nhưng công chúng dẫu có mau quên, hết tập drama này đến tập khác bên lề tác phẩm, thử nghĩ xem thứ để lại trong lòng người xem có còn là tác phẩm nghệ thuật hay những trò tố nhau “đẹp mặt”? Có lẽ đã đến lúc phim Việt nên dừng cách làm dùng drama như công thức kiếm lời mà thay vào đó là đầu tư cho chất lượng phim.
Phim Việt không thiếu những kịch bản hay, kể cả những bộ phim vướng scandal bên lề cũng không hẳn là dở. Thế nhưng năm 2019 rồi vẫn còn quá nửa khán giả Việt quay lưng với chính phim nước nhà. Rồi đôi ba thứ trào lưu “giải cứu” phim Việt vẫn chẳng thể kéo khán giả về với phim nội địa. Bởi cái nhìn tiêu cực khó có thể nào xóa sạch, nhất là khi mỗi dịp có một bộ phim mới công chiếu thì khán giả lại được dịp “bội thực” cùng drama. Nào là phát ngôn gây sốc, nào là chuyện ngoại tình, tay ba, nào là xích mích với ekip, đủ thứ chuyện lấn át cả nội dung phim. Hỡi ôi, hóng drama cũng đủ “no” rồi, bỏ tiền ra rạp xem phim chi cho tốn kém!
2019 rồi, xin các nhà làm phim hãy sang lên! Làm phim hãy để tâm nhiều hơn đến chất lượng. Đừng dùng drama tiêu cực như những món “muối xổi” câu khách và nhồi nhét các trò lùm xùm xấu xí, để lại thành kiến xấu về phim Việt cho những khán giả trong nước. Hãy làm phim, xin đừng làm trò!