Với thương vụ M&A này, Stripe International không chỉ đầu tư vốn cho Vascara, mà bằng kinh nghiệm dày dặn trong ngành bán lẻ thời trang, họ còn có thể hỗ trợ Vascara trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống bán hàng.
Cách đây chưa lâu, Công ty TNHH MTV Global Fashion (gọi tắt là GF) với thương hiệu chính là Vascara đã chính thức sáp nhập vào công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản – Stripe International. Với sự đầu tư và tăng vốn từ Stripe International, Vascara tin rằng mình sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tiếp theo, như ra mắt nhiều mẫu mã giày, cùng túi xách hợp thời trang, với chi phí hợp lý dành cho người tiêu dùng Việt.
Với những người trong làm trong ngành thời trang Việt, Stripe International không phải là một cái tên xa lạ. Sau thương vụ mua lại thương hiệu thời trang dành cho phái nữ – NEM trong năm 2017, Stripe International đã tạo một tiếng vang không nhỏ về mặt truyền thông. Cũng tại thời điểm đó, đại diện của Stripe International tiết lộ, với 100 triệu dân cùng phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam luôn là thị trường có tính chiến lược của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á. Thế nên, việc họ thâu tóm thêm Vascara cũng chẳng có gì khó hiểu.
Ông Harigae Tsutomu – Chủ tịch HĐQT Stripe Saigon chia sẻ lý do vì sao chọn M&A với Vascara: “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của thị trường thời trang Việt, đặc biệt là ngành giày dép, túi xách. Vascara là thương hiệu chúng tôi thấy rất có tiềm lực để phát triển. Chúng tôi tin, bằng những kinh nghiệm – kỹ thuật bấy lâu đã tích lũy từ nhiều thị trường trên thế giới, chúng tôi sẽ đồng hành và hỗ trợ Vascara tăng tốc, mở rộng hệ thống cửa hàng và phục vụ nhiều hơn người tiêu dùng Việt“.
Và đúng như nhận định của ông Harigae Tsutomu, ngành da giày của Việt Nam ở thời điểm hiện tại tăng trưởng rất nhanh. Trong vài năm gần đây, ngành da giày Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,7%/năm. Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho biết, có đến 90% sản phẩm giày dép hiện nay của Việt Nam được đem đi xuất khẩu, chỉ phần nhỏ được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trong vài năm qua, mỗi năm người tiêu dùng Việt cần 150 triệu đôi giày và nhu cầu đang ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Số lượng giày dép bán ra trong tháng tương đương 12,5 triệu đôi/tháng, tính trung bình mỗi ngày thị trường Việt Nam tiêu dùng khoảng 0,41 triệu đôi/ngày.
Tuy nhiên, thị trường da giày sôi động nhất chỉ đang tập trung chủ yếu ở 3 thành phố lớn là TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, chẳng mấy chốc, các tỉnh lẻ sẽ nối gót 3 thành phố lớn kể trên, trở thành những thị trường đầy tiềm năng của ngành giày da – túi xách.
Về phần Vascara, thành lập năm 2007, với hơn 10 năm hình thành và phát triển, cùng hệ thống 134 cửa hàng phân phối trên toàn quốc cùng kênh thương mại điện tử tại website vascara.com; Vascara là một trong những thương hiệu Việt về da giày – túi xách nổi bật nhất thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Vascara đã phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách hàng mua sắm trong năm 2018.
Bà Lê Cảnh Bích Hạnh – Giám đốc điều hành GF cũng khá hào hứng trước sự hợp tác mới này: “Mỗi năm, Vascara phát triển gần 100%, với hơn 134 cửa hàng rộng khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Cùng bước ngoặt quan trọng này, Vascara cũng chính thức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với các mô hình cửa hàng mới. Chúng tôi muốn khách hàng khi bước vào không gian của Vascara sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời về sản phẩm – dịch vụ tinh tế.
Với những kinh nghiệm của Stripe International, tôi tin đối tác sẽ giúp Vascara ra mắt được nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng hơn, tăng hệ thống cửa hàng nhanh hơn và độ phủ cao hơn“.
Nếu chiếu theo thực tế diễn ra với người đi trước – NEM, sau 2 năm hợp tác với Stripe International, mong ước của lãnh đạo Vascara không phải là không có cơ sở. Năm 2017, trước khi gia nhập doanh nghiệp đến từ Nhật, NEM có 44 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. HCM; hiện tại, NEM đã có gần 90 cửa hàng, trải rộng nhiều tỉnh thành khắp cả nước.
Stripe International được thành lập vào năm 1994 tại Nhật, chuyên về Phong cách sống và công nghệ – “Lifestyle và Technology”. Công ty này có ngân quỹ khoảng 100 triệu Yên, ngoài các thương hiệu thời trang tự sáng lập, họ còn chuyên đi thâu tóm các thương hiệu thời trang – làm đẹp và F&B khắp thế giới. Những thương hiệu mà họ đang có bao gồm: Koé, Grean Park, Yecca Vecca, American Holic, Craft Standard Boutique, Lebecca Boutique, Honey Salon, Maison de Fleur, Unmarble…
Stripe International cũng sở hữu 2 nền tảng công nghệ chuyên để bán lẻ các sản phẩm thời trang – mỹ phẩm của các thương hiệu mà họ đã thâu tóm là trang thương mại điện tử Stripe Club và app Mechakari.
Stripe International hiện có văn phòng đại diện tại Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam… và đối tác tại Paris.