HIEUTHUHAI bị cởi đồ trên show truyền hình: Đừng bình thường hóa sự phản cảm là “vui thôi mà có gì đâu!”

HIEUTHUHAI bị cởi đồ trên show truyền hình: Đừng bình thường hóa sự phản cảm là "vui thôi mà có gì đâu!"

HIEUTHUHAI bị cởi đồ trên show truyền hình: Đừng bình thường hóa sự phản cảm là “vui thôi mà có gì đâu!”

Có lẽ trong những tưởng tượng xa xôi nhất, ekip 2 Ngày 1 Đêm cùng dàn người chơi nghệ sĩ của mình cũng chẳng thể nghĩ được rằng, hình ảnh HIEUTHUHAI bị lột đồ trên sóng truyền hình có thể trở thành một chủ đề tranh cãi về sự thiếu tôn trọng da thịt của đàn ông.

Trong một trò chơi tập thể và những người chơi vốn đã trở thành bạn bè thân thiết, dường như không khó để người ta trở nên thoải mái với nhau. Đặc biệt, một nhóm bạn thân toàn đàn ông con trai có thể mang đến những trò đùa nhây, giống như những gì vừa được phát trên sóng truyền hình vừa qua. Vui thôi mà! Chẳng ai nghĩ gì cả, sao phải ngại mấy trò này!

Nhưng lần này, trò đùa có vẻ đã đi quá giới hạn của nó. Đã đến lúc, người ta thôi chấp nhận lý do rằng đây chỉ là trò vui và ai cũng có sự đồng thuận. Đã đến lúc, người xem nhận ra cái lằn ranh mong manh giữa hài hước và phản cảm đang bị xóa nhòa. Và họ quyết định lên tiếng.

Chỉ ra bất thường từ những điều bình thường

Có lẽ nhiều người sẽ thấy là quá nặng nề nếu cho rằng HIEUTHUHAI là nạn nhân của quấy rối tình dục đàn ông và cảnh quay đó là một sản phẩm câu view bằng hình thể. Rõ ràng, họ chỉ đang giỡn rất vui. Nếu ai ở trong một nhóm anh em thân thiết, chắc có lẽ đều hiểu rằng mấy trò đùa đó có khi còn quá nhẹ nhàng. Với người xem đại chúng, đây là một tập phim hài hước và chẳng ai thấy có vấn đề gì trong những cảnh quay bán nude. Tôi tin rằng ekip không cố ý khiến mọi chuyện đi quá xa khỏi ý nghĩa của nó. Nhưng rõ ràng, khi những trò đùa đã không còn phù hợp với một xã hội quan tâm nhiều hơn đến cách ứng xử văn minh về chủ đề giới tính, thì việc xuất hiện những quan điểm gay gắt chính là một hồi chuông cảnh báo. Rằng, chắc chắn có một vấn đề rất lớn ở đây mà chúng ta không thể bỏ qua.

Trong suốt chiều dài phát triển, chính những lần con người đặt câu hỏi và phản biện lại hiện thực là những lần chúng ta bước lên thêm một bậc thang về sự hiểu biết và văn minh. Phụ nữ không tự nhiên được đi làm nếu không có một nhóm người đặt câu hỏi về việc tại sao chỉ chúng ta mới phải ở nhà nội trợ? Chúng ta học cách tôn trọng đa dạng ngoại hình vì nhận ra quá béo hay quá gầy không phải là khuyết điểm để nhận về những chê bai. Và thậm chí, hiểu rằng nạn nhân là đối tượng cần được bảo vệ chứ không phải bị đổ lỗi trong những cuộc quấy rối.

Tất cả những bước tiến đấy đều bắt đầu từ những điều tưởng như rất bình thường và thậm chí là hiển nhiên. Sự va đập giữa những luồng tư tưởng giúp những khái niệm không còn phù hợp trong đời sống hiện đại bị loại trừ. Mới gần đây, chỉ với một vài câu đùa tưởng như vô hại với trẻ nhỏ, Hoa hậu Thùy Tiên cũng đã phải đối mặt với những tranh cãi vì hàm ý nhạy cảm trong đó. Cuộc tranh luận đó khiến không ít người chợt giật mình nhận ra: Hóa ra bấy lâu nay mình đã quá vô tư khi đùa giỡn với trẻ con. Hãy nhớ, ngay cả rapper Quốc dân như Đen Vâu, một người tưởng như luôn được ủng hộ với những sáng tác của mình, cũng đã phải đối mặt với những ý kiến cho rằng anh cổ xúy cho thứ gọi là nam tính độc hại – chỉ qua một vài câu rap tưởng như rất đỗi vô tư.

Cách đây nhiều năm khi theo dõi một cuộc tranh luận trên mạng, tôi có đọc được một ý kiến rất hay. Người viết cho rằng sau tất cả những lời lẽ gay gắt, lập luận và phản biện liên tục của nhiều bên, thứ giá trị nhất chính là những luồng tư tưởng mới xuất hiện. Chúng cho ta thêm những góc nhìn mới về vấn đề đang thảo luận, và từ đó, nâng cao khả năng nhìn nhận vấn đề và ý thức của mỗi người. Chỉ ra “bất thường” từ những điều tưởng như quá bình thường có thể khiến chúng ta nhăn mặt vì nghĩ rằng ai đó lại “làm quá”. Nhưng chỉ khi những vấn đề được “làm quá”, chúng ta mới chợt nhận ra rằng hóa ra ẩn đằng sau sự bình thường đó – rất có thể – là lối tư duy cũ mòn và những định kiến đã bám rễ quá sâu vào tiềm thức của số đông.HIEUTHUHAI bị cởi đồ trên show truyền hình: Đừng bình thường hóa sự phản cảm là "vui thôi mà có gì đâu!"

Trách nhiệm của những người làm sản phẩm giải trí

Dĩ nhiên rằng, ekip 2 Ngày 1 Đêm hay những nghệ sĩ tham gia chương trình hoàn toàn có thể nói rằng: Chúng tôi là nghệ sĩ giải trí, chúng tôi đã có sự đồng thuận để cùng quăng miếng hài này. Chúng tôi không cố ý và rằng chúng tôi không có ý đồ tiêu cực. Rất có thể vài ngày sau nữa, khi sự việc này chìm đi, người ta sẽ quên nó như quên hàng chục cuộc tranh luận khác trên mạng xã hội mỗi ngày, sau đó nhún vai khi ai đó nhắc lại như thể một “cú phốt” tào lao từ trên trời rơi xuống ekip. Hoặc giả, có thể phản hồi rằng khán giả đang cố nhìn sự việc theo hướng tiêu cực, chứ chúng tôi có cố tình như vậy đâu?

Nhưng rõ ràng, khi bạn để khán giả nhìn ra sự tiêu cực trong sản phẩm, thì cũng có nghĩa là bạn cần phải nhìn lại cách làm của mình. Có thể trước đây trong quá khứ, những sản phẩm lấy hình thể của đàn ông làm trò đùa có thể coi là bình thường. Nhưng đó là cho đến khi có người cảm thấy sự bất thường ở đó và lên tiếng, thì có nghĩa là nó không còn phù hợp với nhận thức của thời đại này.

Khán giả không thể tự quy chụp rằng HIEUTHUHAI bị quấy rối, nếu không có những bình luận khiếm nhã thực sự xuất hiện trong comment của những đoạn video.

Khán giả không thể tự cảm thấy phản cảm, nếu họ thấy những cảnh quay bán nude khoe da thịt của đàn ông được phát trên sóng truyền hình là bình thường.

Khán giả không thể tự nhận xét rằng chương trình câu view, nếu những hành động khiêu khích không cứ thế leo thang để tạo cảm giác giật gân khi lột từng món đồ của Hiếu.

Ngay cả khi, HIEUTHUHAI cho rằng mình hoàn toàn không bị những bình luận khiếm nhã đó làm ảnh hưởng. Hay chương trình cảm thấy rằng mình trong sáng trong việc không cố tình đem da thịt đàn ông ra câu view. Nhưng rõ ràng, khi bạn phớt lờ một vấn đề mà cộng đồng đã đưa ra, cũng có nghĩa là bạn đang vô tình bình thường hóa một cách làm sai và những ý niệm tiêu cực.HIEUTHUHAI bị cởi đồ trên show truyền hình: Đừng bình thường hóa sự phản cảm là "vui thôi mà có gì đâu!"

Tôi tin rằng, trách nhiệm của người làm sản phẩm giải trí không chỉ là tạo ra những sản phẩm chỉ mang tính giải trí là đủ. Họ là hình tượng được khán giả hướng đến và quan tâm, mọi sản phẩm của nghệ sĩ đều có ảnh hưởng nhất định đến tư duy và góc nhìn của khán giả. Vậy nên trách nhiệm ở đây còn là trách nhiệm mang tính định hướng và điều chỉnh khi có sự phản đối. Đừng cố gắng chối bỏ. Bởi như vậy cũng có nghĩa là bạn đang vô tâm với khán giả của chính mình.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
On Key

Bài Viết Liên Quan