Duy Khương cuối cùng cũng lên tiếng sau khi vướng nghi vấn “đá xéo” drama rạp phim của Trấn Thành.
Trấn Thành và Duy Khương từng là những người “cùng thuyền cùng hội” tại một chương trình truyền hình. Thời điểm đó, cả hai được nhận xét có nhiều điểm tương đồng trong “gu hài”, năng lượng, độ duyên dáng đến khả năng biến hóa khi vào vai giả gái.
Sau chương trình, người ta vẫn ngầm xác định Trấn Thành và Duy Khương có mối quan hệ thầy – trò. Tuy nhiên, mối quan hệ ấy có thể sẽ được định nghĩa lại, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ loạt drama thời gian qua mà là do chính Duy Khương làm rõ.
* Chào Duy Khương, gần đây bạn có một dòng trạng thái trên Facebook được cho là “đá xéo” đàn anh lúc người gặp ồn ào “bao rạp”. Bạn nói gì về điều này?
Có nhiều nguyên nhân để tôi làm điều đó và tôi không bao giờ thấy hối hận hay là lỡ dại. Bởi vì ở độ tuổi này, không phải là già nhưng không quá trẻ để nói là “em lỡ”. Vậy nên tôi làm gì, tôi sẽ chịu trách nhiệm với điều đó. Và tất nhiên, tôi không bao giờ có thái độ “mặc kệ”, cứ làm không quan tâm hậu quả nó như thế nào. Tôi nghĩ mọi người sau này sẽ hiểu được nguyên nhân tại sao.
* Sau những status của bạn thì có một tài khoản Facebook được cho là của đàn anh Trấn Thành nhắc thẳng đến tên Duy Khương và gọi là “cậu học trò”. Bạn biết thông tin này chứ?
Lúc đầu tôi chỉ biết là anh ấy có Fanpage. Tôi nghĩ nếu anh đăng thật thì đăng trên Fanpage chứ không nên đăng lên một tài khoản như vậy. Bạn bè cũng gửi cho tôi.
Khi nhận được những thông tin như vậy, theo kiểu: “À em, lên bài nói em nè”. Tôi đáp lại rằng: “Nếu như thắc mắc điện thoại trực tiếp cho em”, hoặc gặp trực tiếp. Chứ tôi không có dùng nick ảo nào hết bởi, xưa giờ tôi chỉ có đúng một kênh thông tin duy nhất thôi.
Còn về chuyện gọi là học trò, trong cuộc đời của tôi, ngoài học phổ thông thì em học rất nhiều nghề trước khi học trường đại học Sân khấu – Điện ảnh. Tôi xin xác định rõ ràng, riêng về môn kỹ thuật biểu diễn, tôi chỉ có đúng một người thầy. Tôi không muốn nhắc ở đây bởi vì thầy tôi đã mất cách đây một năm và cách đây vài ngày là đám giỗ đầu tiên của thầy tôi. Tôi chỉ có đúng một người thầy đó.
Cách đây không lâu trước sự kiện đăng status xảy ra là thời gian đám giỗ của thầy, tôi có nói với mọi người: “Cuộc đời của em gặp được thầy, mới có một Duy Khương rực lửa và yêu nghề đến vậy. Em cảm ơn thầy vì là một trong những người đầu tiên dạy cho em sự nghiệp diễn xuất”.
* Chia sẻ này của Duy Khương chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Bởi vì sau cuộc thi tìm kiếm tài năng hài đó, truyền thông lẫn khán giả đều gọi bạn và người này là mối quan hệ “thầy trò”?
Đây là cuộc thi gồm 3 bên: thí sinh, nhà sản xuất và giám khảo. Tôi đi thi với một tâm thế là một thí sinh. Format cuộc thi quy định rằng, thí sinh bốc đề ngẫu nhiên theo từng chủ đề. Mọi người có thể thấy, tất cả thí sinh chứ không riêng tôi đều phải tự thân vận động bốc đề thi, NSX cũng không ưu ái cho ai hết. Các thí sinh trong cuộc thi đó vẫn còn làm nghề đến ngày hôm nay, và mọi người cũng biết chuyện khi đi thi phải tự nghĩ kịch bản, tự biên tự diễn, tự chuẩn bị đạo cụ, phục trang. Chương trình sẽ hỗ trợ các bạn kinh phí nhưng sẽ không bao giờ có chuyện “tôi muốn gì chương trình sẽ làm cho tôi”.
Không có chuyện là tôi là người được đặc biệt trong đội hay là gì đó để mà chỉ dạy. Ở đây, nếu nói học hỏi là học hỏi tác phong làm nghề của ekip, học hỏi nghệ sĩ khách mời, học hỏi cô chú anh chị làm giám khảo họ nhận xét để mình tiến bộ hơn về nghề. Chứ không vào cuộc thi, tôi được cầm tay chỉ việc hay chỉ đạo diễn xuất hay thị phạm để diễn cho tôi coi cái nét đó và tôi diễn lại như vậy.
* Ở những chương trình khác như The Voice, thí sinh sẽ được người nổi tiếng truyền đạt kiến thức thanh nhạc, dựng bài trên sân khấu nên khán giả gọi họ là “Huấn Luyện Viên”. Tuy nhiên theo như lời bạn kể, từ “Huấn Luyện Viên” hay “Thầy” là không đúng ở chương trình bạn tham gia?
Đúng. Thời điểm cuộc thi đó nổ ra, mọi người thấy là cũng có 4 đội, mọi người thường thấy ở format chương trình khác thì hay gọi là huấn luyện viên. Còn ở cuộc thi của tôi sẽ gọi là “Giám Khảo Của Đội Bạn”. Trong tờ giấy mà biên tập, nhà sản xuất cũng ghi chú cho thí sinh chúng tôi như vậy. “Giám Khảo Của Đội Bạn” sẽ là người trực tiếp loại bạn, chứ không phải giám khảo là người dạy bạn để loại đội còn lại.
* Vậy trong suốt quá trình tham gia chương trình tài năng hài, giám khảo có gọi bạn là học trò không?
Vấn đề là trong lúc thi, tôi cũng không nhận được cụm từ đó từ anh giám khảo. Đến khi gần đây, tôi mới nhận tin nhắn từ mọi người kèm theo ảnh chụp màn hình trong đó ghi là “cậu học trò tốt tánh”. Mà thật sự chưa bao giờ tôi nghe ai gọi tôi là “cậu học trò”, tôi chỉ là học trò của ai đó mà thôi.
* Tại sao Duy Khương lựa chọn vào đội của vị giám khảo đó dù không thần tượng họ?
Khi ghi hình tôi không chọn vào đội như mọi người thấy, tôi chọn đội một người chị không tiện nhắc tên vì thích cái gu hài của chị. Tuy nhiên, chương trình có kêu tôi xuống để quay lại. Vì màu sắc của mỗi thí sinh sẽ phù hợp với giám khảo khác nhau và đội của chị cũng đã đủ thí sinh.
Khi lên ghi hình lại, tôi có nói chọn đội anh như mọi người muốn. Tôi có giải thích lúc đó là tại sao em chọn anh. Nhưng em thấy được là em hợp với chị hơn, thì chị từ chối tôi.
* Xin cảm ơn chia sẻ của Duy Khương!