Ăn uống hay là thử thách – câu chuyện về những món ăn “kiêu kì” với yêu sách khó nhằn như “cấm nói chuyện”, “cấm gọi món” và “cấm đủ thứ”…
Ngày xưa, nói câu “tiền bạc không mua được tất cả” có lẽ nhiều người sẽ gật gù đầy chiêm nghiệm. Ngày nay, nói câu đó ra, có không ít người sẵn sàng đáp lại “đấy là vì bạn không có đủ tiền”. Ở thời hiện đại, quả thật là tiền bạn có thể mang lại nhiều thứ nếu nó đủ nhiều. Tuy nhiên nhận định này hoàn toàn không đúng trong một khía cạnh của ẩm thực. Nếu bạn nghĩ rằng lý do bản thân không thể đi ăn được ở những nhà hàng nổi tiếng thế giới là do bản thân chưa đủ tiền thì bạn hoàn toàn sai.
Việc “có tiền” trong một số trường hợp là điều kiện cần, nhưng không phải điều kiện đủ. Ngoài việc chi trả tiền cho một bữa ăn ở những nhà hàng đắt đỏ này thì bạn vẫn phải từ bỏ một số tự do nhất định của bản thân, phải vượt khỏi vòng tròn thoải mái của mình và làm những việc khiến bạn không nghĩ là mình sẽ phải làm chỉ vì… miếng ăn.
Một ví dụ kinh điểm cho việc này là loại hình nhà hàng Omakase của Nhật Bản. Khi bước vào một nhà hàng Omakase, nghĩa là bạn đã đồng ý từ bỏ quyền lợi của một khách hàng bình thường, bạn nhỏ bé, và là người mong chờ để được thưởng thức bất kì thứ gì mà đầu bếp muốn làm cho bạn. Trong thực tế thì đây là một nét đẹp ẩm thực Nhật Bản, với từ “makase” có nghĩa là “tin tưởng”. Nghĩa là vượt qua nhu cầu chỉ đơn giản là ăn ngon, ăn no, bạn chấp nhận đánh đổi sự tự do để lấy về khả năng giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ mang tính toàn cầu – ẩm thực.
Bạn không có quyền đòi hỏi thêm nước chấm, thêm wasabi hay bất kì điều chỉnh nào, bạn phải thực sự trò chuyện với đầu bếp, thực sự tạo một mối liên kết với họ và đổi lại, họ sẽ dựa trên những gì mình hiểu về bạn mà bắt đầu chế biến món ăn. Trong khuôn khổ Omakase, bạn mất quyền như một “thượng đế”, song cũng nhận được sự chăm sóc và tôn trọng tỉ mỉ nhất từ người đầu bếp, mà điều này không có được nhờ tiền bạc, mà nhờ sự hi sinh bản thân của bạn.
Mặt khác, ngoài Omakase có phần cao siêu thì vẫn có những biểu hiện đơn giản hơn của việc “có tiền không là chưa đủ”. Có rất nhiều câu chuyện mà các vị “thượng đế” đã được mời khỏi nhà hàng chỉ vì… mang giày thể thao, hoặc không có áo khoác (kiểu jacket, áo vest). Nó không đồng nghĩa với việc bạn phải mặc những bộ suit hay áo váy hàng hiệu, mà chỉ cần một bộ vest cũ, thể hiện được tinh thần trang trọng của nhà hàng là được. Hàng hiệu không liên quan ở đây, bởi vì có nhiều trường hợp như Sam Altman (thương nhân giàu có người Mỹ) bị mời khỏi quán bar bởi anh này mang một đôi giày… thể thao. Tuy điều này vẫn luôn gây nhiều tranh cãi, song những nhà hàng phong cách này vẫn ngày một lớn mạnh và gần như chưa bao giờ vắng khách. Thậm chí, có những nơi mà bạn phải chờ đến… 10 năm mới có bàn.
Oái oăm hơn, còn có nhiều nhà hàng với các “yêu sách” không tưởng dành cho khách hàng như nhà hàng Eat (Mỹ) không cho khách… nói chuyện. Bếp trưởng Nicholas của nhà hàng này đã đặt ra nguyên tắc là khách hàng phải hoàng toàn im lặng, không được trò chuyện. Ở đây, miệng của bạn chỉ có thể dùng cho một mục đích là ăn. Đây là vì Nicholas đã được truyền cảm hứng sau khi nhìn thấy những nhà sư Ấn Độ ăn sáng trong im lặng, cho rằng sự im lặng làm tăng tính tập trung và cảm nhận với thức ăn mà không có bất kì nhiễu loạn nào. Mặt khác, thức ăn ở đây cũng không đắt đến mức như nhà hàng năm sao, chỉ tầm 40 USD một người.
Một nhà hàng khác ở New York lại không cho bạn đi theo nhóm trên 4 người vì… mỗi bàn ở đây chỉ có 4 ghế, và sẽ thật phiền phức khi phải mang thêm chiếc ghế thứ năm! Và đó là còn chưa kể đến các nhà hàng bắt bạn phải… ăn trong bóng tối, đồng nghĩa với việc không ánh sáng, không điện thoại, không selfie, và thậm chí còn khó có thể chụp được ảnh món ăn để up instagram cơ. Và bạn sẽ không thể nhìn thấy mình đang ăn gì. Ở Sài Gòn cũng có một quán như vậy ở đường Hai Bà Trưng Quận 1, với giá cả không rẻ nhưng vẫn có lượng khách hàng đến để “thử thách” bản thân.
Có thể thấy, hơn cả tiền bạc, nhiều nhà hàng yêu cầu bạn phải hi sinh một điều gì đó của bản thân để tận hưởng món ăn. Ở thời điểm này, điều duy nhất giúp bạn vượt qua được giới hạn mỏng manh của việc hi sinh chỉ đơn giản là tình yêu với thức ăn. Thông thường, chúng ta sẽ có suy nghĩ rằng “vì sao mình phải làm thế chỉ vì một bữa ăn mà thậm chí là không biết có ngon lành”. Đa phần chúng ta đều dừng lại ở câu hỏi “có đáng hay không?” Và điều đó hoàn toàn bình thường, vì hiển nhiên đối với một số người, ăn uống là việc thoải mái, nếu nó khiến chúng ta không thoải mái thì không làm. Đơn giản là thế.
Tuy nhiên, vẫn có một số người sẵn sàng dẹp bỏ sự thoải mái, nguyên tắc cũng như cái tôi của bản thân, sẵn sàng đánh đổi những thứ đó để đổi lại trải nghiệm. Đúng vậy, đối với những người này thì trên mọi thứ, việc được ăn thử những món ăn mới quan trọng. Và bạn sẽ phải kinh ngạc trước sự đông đảo của nhóm người này đấy. Không phải vì họ “thừa tiền” (dù việc đó khiến mọi thứ dễ dàng hơn với họ), nhưng tưởng tượng, ngay cả những người có địa vị cao, có tài sản lớn vẫn sẵn sàng cúi đầu trước những món ăn cho thấy một sự khuất phục đối với ẩm thực. Và thật lòng mà nói thì điều này thật sự rất đáng quý.
Có nhiều người lại không nghĩ thế, và họ đặt ra câu hỏi rằng giá trị ở đây nằm ở “trải nghiệm” hay chính bản thân món ăn đó? Câu trả lời là cả hai, bởi vì suy cho cùng thì thức ăn cũng là một trải nghiệm. Cái khiến nó khác biệt so với những nơi khác là ở những chỗ này, bạn bị đặt vào một tình huống mình phải nhìn, cảm nhận và thưởng thức món ăn khác với những gì ta quen thuộc. Mục đích của nó là tìm một nhìn nhận mới hơn. Có thể thất bại, có thể không, có thể tìm được trải nghiệm tốt hay tệ, song điều quan trọng là bạn sẵn sàng để mạo hiểm đến mức đấy.
Trong thực tế, bạn chẳng nhất định phải đi ăn Omakase, hay đi nửa bán cầu và chờ 10 – 14 năm cho một nhà hàng để thể hiện được tinh thần này. Tinh thần “hi sinh” này thậm chí có thể đơn giản như việc lặn lội từ quận này sang quận khác trong tiết trời oi bức chỉ vì hàng bún riêu gần nhà không có vị như hàng bún riêu ở gần chợ Bến Thành. Hay là dậy sớm hơn mọi ngày bởi vì quận 5 có hàng dimsum chỉ mở cửa đến 10 giờ hơn, và thường thì sẽ bán hết vào khoảng 9 giờ. Đó là bạn đã hi sinh cái gì đó rồi, vì “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Gần gũi hơn, ta còn có văn hoá “ăn chửi”, ví dụ như quán “bún chửi” nổi tiếng ở Hà Nội. Chửi thì cứ chửi, nhưng quán đã phục vụ được hơn 20 năm với lượng khách “nghe chửi” ổn định. Nếu đây chẳng phải là ví dụ kinh điểm cho sự hy sinh quên mình vì thức ăn thì chắc chẳng còn gì có thể so được nữa.
Thử ngẫm lại, đã bao nhiêu lần chúng ta hưởng dịch vụ tệ, đang cảm thấy bực mình nhưng rồi sự bực mình ấy lại như “bốc hơi” khi ta đưa miếng ăn đầu tiên lên miệng. Người ta có câu “miếng ăn là miếng tồi tàn” hay tệ hơn là “miếng nhục”, điều này nghe có vẻ mỉa mai nhưng trong thực tế cũng chẳng sai. Phàm là con người thì chúng ta ai cũng có xu hướng nhịn nhục, hi sinh để được ăn món ngon. Không phải Omakase “tước” hết tự do thì lại có quán Bún chửi, khó chịu thì khó chịu nhưng có nề gì khi được thưởng thức món ngon? Đấy chính là sự có tâm với món ăn và với chính bản thân ta của phần đông con người.
Thời đại này, có thể nói, nhịn cái gì thì nhục, nhưng nhịn vì thức ăn thì chẳng có gì nhục nhã cả!