Xuân Lan: ‘Tôi thấy phản cảm khi mẫu nhí trang điểm đậm, đi giày cao’

Trả lời về những nghi ngại xoay quanh vấn đề trẻ em đang xuất hiện quá nhiều trên sàn diễn thời trang và các show truyền hình, Xuân Lan cho rằng đây không phải vấn đề nghiêm trọng. Siêu mẫu cho biết vấn đề nằm ở chỗ người lớn định hướng cho trẻ em theo hướng nào, giữ được nét hồn nhiên của lứa tuổi theo hay làm cho các bé “chín ép” với lớp phấn son và trang phục quá già dặn.

Tranh đấu trên show truyền hình làm tổn thương trẻ em

– Gần đây, nhiều người cho rằng không nên cho trẻ em xuất hiện trên bất kỳ sàn diễn thời trang hay game show truyền hình nào để giữ gìn sự hồn nhiên cho trẻ. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

tranh cai nguoi mau nhi anh 1
Chân dài 42 tuổi thấy phản cảm khi chứng kiến nhiều chương trình trang điểm đậm và cho mẫu nhí mặc hở hang.

– Mọi người có thể thấy rất nhiều chương trình thời trang vẽ mắt nước rất dày, dán lông mi, tóc nhuộm xanh, vàng cho các bé. Thậm chí, nhiều bé còn phải đeo tất lưới, mặc crop-top, trang phục bằng da rồi ra sân khấu đứng tạo dáng, uốn người, đi giày cao gót kéo váy… Tới người mẫu trưởng thành chuyên nghiệp còn không diễn theo các đó, nhưng các bé lại được dạy như vậy.

Nhưng tôi đảm bảo chương trình Tuần lễ thời trang nhí hoàn toàn không có những chuyện như vậy. Các bé cũng được trang điểm nhưng chỉ để xinh hơn, để lên sân khấu vẫn là những hoàng tử, công chúa theo đúng nghĩa đen của từ hồn nhiên nhất.

– Nhưng vẫn có nhiều người tin rằng tiếp xúc với ánh đèn sân khấu quá sớm sẽ khiến trẻ tổn thương về mặt tâm lý cũng như bị ảnh hưởng về cách nhìn cuộc sống?

– Trong một số show truyền hình, các bé phải chịu tổn thương khi bị loại hay bị đọc nhầm tên, nhầm kết quả. Thông thường, ở những cuộc thi, bé sẽ hy vọng quá nhiều và khi không được như kỳ vọng, bé sẽ khóc. Đó là sự sụp đổ trong lòng. Thật lòng, không ba mẹ nào muốn con mình trải qua những cảm giác đó.

Với chương trình tập luyện và trình diễn tôi xây dựng, các bé sẽ không phải trải qua cảm giác hụt hẫng, bị chê bai hay bị loại. Bé nào đến với tôi, dù cao hay thấp, mũm mĩm hay mảnh người, kể cả những bé bị tự kỷ rất khó tự bước đi một mình, cũng đều coi đây là một sân chơi.

Đối với những trường hợp đặc biệt như bé bị tự kỷ, việc bước đi trên sàn diễn là ước mơ của cả ba mẹ chứ không chỉ các bé. Đó là ước mơ cho các bé hòa nhập cộng đồng, điều đó rất thiêng liêng với các bậc làm cha làm mẹ. Chỉ cần bé có thể bước đi ở chỗ đông người mà không sợ hãi đã là sự khích lệ và niềm tự hào lớn của ba mẹ rồi. Ở show của tôi, không bao giờ có sự tổn thương dành cho con trẻ.

– Đại biểu quốc hội Phạm Trọng Nhân từng đưa ra ý kiến rằng để trẻ lên các game show thi tài hay bước đi trên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp là hành vi xâm hại trẻ núp dưới “vỏ bọc văn hóa”. Là người chủ trì nhiều chương trình mẫu nhí, quan điểm của chị về vấn đề này là gì?

– Theo tôi, ý kiến của đại biểu quốc hội Phạm Trọng Nhân không sai. Nếu các bé phải mặc những bộ váy ngắn cũn cỡn, trang điểm lố lăng và diễn còn nhiều hơn cả người lớn, tôi cũng thấy phản cảm và thấy tội nghiệp các bé.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi những người dạy dỗ mình. Trẻ chỉ là tờ giấy trắng. Nếu người đó dạy bé cong cớn, tạo dáng quá đà thì các bé sẽ học theo y hệt. Và đó không phải hình ảnh trẻ em nên có.

Nhưng nếu người lớn xuất hiện trước mặt các bé một cách chỉn chu và dạy cho bé hiểu được mình là ai và hình ảnh hồn nhiên, tươi trẻ của bé có giá trị thế nào để bé tự tin vào bản thân hơn thì ổn. Tôi nghĩ việc dạy dỗ để các bé có thể tự tin trong mọi hoàn cảnh là điều nên khuyến khích.

tranh cai nguoi mau nhi anh 2
Xuân Lan muốn các bé khi diễn được hồn nhiên và tự tin hơn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
On Key

Bài Viết Liên Quan