Trong vài năm trở lại đây, với các tác phẩm truyền hình Hàn, rating khiêm tốn khi phát sóng trên kênh truyền thống không còn là vấn đề to tát, bởi vẫn còn đó nền tảng chiếu phim trực tuyến để “tung hoành” và chinh phục khán giả quốc tế.
Tuy nhiên, để được số đông đối tác nước ngoài và người hâm mộ quốc tế đón nhận, các nhà sản xuất xứ kim chi đôi khi phải tuân theo một công thức cứng nhắc, chẳng hạn như chỉ xoay quanh thể loại rom – com (tình cảm hài – lãng mạn) và đảm bảo nhan sắc, độ nổi tiếng của diễn viên.
Tỷ suất người xem không phải là tất cả
Tỷ suất người xem từng được coi là yếu tố then chốt để đánh giá sức hút của một bộ phim trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Theo đó, đa số tác phẩm truyền hình xuất khẩu ra nước ngoài, tiếp cận với khán giả quốc tế đều có rating cao khi phát sóng tại quê nhà.
Song, theo Korea Times, trong vài năm trở lại đây, tình hình đã thay đổi. Rất nhiều bộ phim truyền hình đến từ xứ kim chi không cần có lượng người theo dõi cao tại quê nhà vẫn có thể tạo tiếng vang nhờ sự phổ biến của các nền tảng xem phim trực tuyến, chẳng hạn như Netflix.
Quân vương bất diệt thất bại trên đường đua rating tại quê nhà, nhưng lại phổ biến với khán giả quốc tế. |
Những ví dụ gần đây nhất có thể kể đến là The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt) của Lee Min Ho, hay It’s Okay to Not Be Okay (Điên thì có sao) của Kim Soo Hyun.
Đây không phải là loạt phim đứng đầu trên đường đua rating khi lên sóng màn ảnh nhỏ vào các khung giờ tối tại Hàn Quốc, nhưng luôn lọt top tác phẩm ăn khách nhất ở Netflix thuộc nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, các tác phẩm đó còn có thời điểm lọt top trending mảng TV Show trên toàn cầu.
Cũng theo Korea Times, sức tấn công của phim truyền hình Hàn trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước đang có sự hoán đổi. Theo thống kê mới nhất từ Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), chỉ trong năm 2018, bằng việc xuất khẩu phim ảnh, truyền hình Hàn kiếm được khoảng 214 triệu USD, tăng 19,2% so với năm 2017.
Ngược lại, tại quê nhà, phim truyền hình lại quay cuồng trong “cơn bão” giảm sút tỷ suất người xem, khi tác phẩm ra mắt trên các kênh truyền thống (chẳng hạn như SBS, KBS, tvN, jTBC…). Rating 30% cho một tập phim là chuyện thường gặp ở vài năm trước. Còn hiện tại, tỷ suất người xem đạt 15% đối với một tập đã được xem là thành tích đáng ghi nhận.
Điên thì có sao từng lọt top trending toàn cầu mảng TV Show. |
Ngay cả khi tác phẩm quy tụ dàn sao nổi tiếng, rating dường như chẳng khá lên là bao. Quân vương bất diệt (có Lee Min Ho) đa phần quanh quẩn ở mốc tỷ suất 6-8% suốt nửa sau chặng đường phát sóng, hiếm khi bật lên mốc 2 chữ số. Còn Điên thì có sao, dù sở hữu sao nam đắt giá nhất màn ảnh nhỏ là Kim Soo Hyun, tác phẩm vẫn ngậm ngùi chịu cảnh rating nằm ở mức trung bình khá (4-6%).
Korea Times trích lời của một nhân viên (giấu tên) thuộc một công ty sản xuất phim rằng những năm gần đây, chỉ có khoảng một đến hai tác phẩm truyền hình cán mốc tỷ suất người xem trung bình 20-30% trong một năm. Nguyên nhân xuất phát từ sự bành trướng của các nền tảng chiếu phim trực tuyến có độ phủ sóng toàn cầu.
Hạ thấp mục tiêu
Các dịch vụ chiếu phim trực tuyến đã phần nào thay đổi thói quen của khán giả.
“Nhờ chúng, tôi có thể chọn xem vô số chương trình truyền hình đa dạng thể loại được sản xuất tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác bất cứ lúc nào tôi muốn. Tôi không thường xuyên xem phim truyền hình Hàn bởi có không ít câu chuyện bị cắt xén và chèn quảng cáo quá đà”, một khán giả người Hàn 20 tuổi nói với Korea Times.
Dàn cast Điên thì có sao từng chỉ đặt mục tiêu rating phim khoảng 15%. |
Có rất nhiều người chia sẻ quan niệm và trải nghiệm tương tự nữ khán giả nói trên. Điều này góp phần làm sụt giảm rating khi các bộ phim truyền hình được phát sóng trên các kênh truyền thống (đài quốc gia và đài cáp). Tuy nhiên, sự giảm sút đó không gây thiệt hại quá lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình Hàn.
“Rating không còn là tiêu chí duy nhất nói lên sức hấp dẫn của một bộ phim. Nhiều đài truyền hình trong nước đã hạ thấp tỷ suất người xem mục tiêu. Họ từng khuyến khích các công ty cố gắng đầu tư sản xuất ra một tác phẩm đạt rating 20%. Song, mục tiêu rating đang dần được hạ xuống, bởi họ biết rõ ngành công nghiệp của mình đã thay đổi nhiều như thế nào”, nhân viên giấu tên nói trên giải thích.
Xuất khẩu phim, chỉ cần diễn viên đẹp, nổi tiếng là đủ?
Thay vì chỉ chăm chăm làm mọi cách để tăng lượng người theo dõi trong nước, các nhà sản xuất còn nỗ lực đa dạng hóa nền tảng phát sóng để thu hút đông đảo khán giả quốc tế.
Ngày nay, nhiều dự án, đặc biệt là những dự án nhỏ, tìm đến Netflix để tìm nguồn đầu tư sản xuất. Nhờ “chiêu bài” đứng trên vai “người khổng lồ”, các bộ phim truyền hình Hàn lớn nhỏ đều có cơ hội tiếp cận hàng triệu khán giả tại hơn 190 quốc gia.
Nhiều nhà sản xuất tại Hàn không đủ sức đầu tư số tiền “khủng” cho một bộ phim do nhiều tác động từ ngoại cảnh. Họ thường chỉ đáp ứng khoảng 60-70% chi phí. Lỗ hổng còn lại có thể được bù đắp bằng cách nhận lồng ghép quảng cáo vào phim. Tuy nhiên, việc nền kinh tế bị đình trệ trong giai đoạn dịch bệnh đã khiến các nhà sản xuất gặp trở ngại khi tìm kiếm đối tác quảng cáo.
Đối tác nước ngoài ưa chuộng thể loại phim tình cảm hài kèm sự góp mặt của sao Hallyu điển trai. |
Lúc này, các nền tảng chiếu phim trực tuyến là cứu cánh. Nhân viên giấu tên nói với Korea Times rằng phần đông đối tác đó đều mong muốn “một bộ phim hài lãng mạn có sự tham gia của một sao nam nổi tiếng và điển trai”.
Theo phân tích của nhân viên nói trên, sở thích của khách hàng đến từ nước ngoài khác biệt so với người Hàn. Khán giả xứ kim chi kêu gọi các nhà làm phim hãy thôi quẩn quanh mãi với phim lãng mạn và cố gắng đa dạng thể loại.
Đối tác ngoại quốc thì ngược lại. “Khi chúng tôi giới thiệu thể loại phim khác, chẳng hạn như y khoa, khoảng 90% đối tác từ nước ngoài từ chối bất kể chất lượng của tác phẩm đó tốt ra sao. Rất có thể, đó là kết quả do sức lan toả của một bộ phim hài – lãng mạn, điển hình như Hậu duệ mặt trời tạo nên cách đây ít năm”, nhân viên của nhà sản xuất cho biết.
Hậu duệ mặt trời đã tạo nên một cơn sốt trên diện rộng, phần nào ảnh hưởng tới quyết định “mua” phim của các khách hàng nước ngoài. |
Khán giả quốc tế có gu thưởng thức khác biệt ít nhiều với khán giả Hàn. Việc ngôi sao Hallyu đình đám xuất hiện hay không là một vấn đề lớn đối với họ.
“Nếu như khán giả Hàn có xu hướng ưa chuộng chủ nghĩa hiện thực nhiều hơn thì khán giả quốc tế không như vậy. Người xem xứ kim chi cho rằng những bộ phim giả tưởng như Quân vương bất diệt là quá thiếu thực tế, thế nhưng người hâm mộ ở các quốc gia khác lại nghĩ thoáng hơn”, nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik lý giải với Korea Times.
Nhà phê bình phim truyền hình, chuyên gia Ngôn ngữ và Văn học Hàn thuộc trường đại học Chungbuk nhận định: “Những ngôi sao nổi tiếng như Lee Min Ho có thể thu hút khán giả quốc tế và giúp bộ phim gây chú ý tại thị trường nước ngoài. Song, khi thời gian qua đi, người hâm mộ quốc tế cuối cùng cũng sẽ nhận ra rằng họ nên ưu tiên chất lượng tác phẩm hơn là khuôn mặt của một diễn viên”.