Tưởng khó nhằn nhưng thực ra yêu cầu để được sao Michelin lại chỉ xoay quanh chất lượng món ăn vô cùng “đơn giản” như thế này đây.
Từ lâu, sao Michelin đã được xem là một huân chương, một bằng chứng khẳng định chất lượng của nhà hàng khắp thế giới. Có được sao Michelin là một vinh dự to lớn, và mất đi sao Michelin là một đau khổ tột cùng. Mới đây, bếp trưởng Gordon Ramsay đã không kiềm được rơi nước mắt khi nhà hàng của ông đã bị giới phê bình lấy mất những hai sao. Ramsay còn cho hay, mất sao có cảm giác đau “như mất người yêu” vậy.
Ta thấy được, việc có hay mất một ngôi sao lại có thể mang đến nhiều cảm xúc như vậy cho tất cả những đầu bếp danh giá trên thế giới. Những “kiện tướng” kì cựu trong giới ẩm thực ấy vậy mà lại có thể dễ dàng “khuất phục” trước một ngôi sao. Điều này khiến chúng ta vô tình mang trong tâm một loại “nể nang” mơ hồ với ngôi sao này, cho rằng hẳn nó phải được đánh giá dựa trên những chuẩn mực khắt khe không tưởng, đến mức mà chỉ cần thiếu hụt một chỗ nào đó thì ngay lập tức bị “tước sao” ngay.
Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đã nhầm to. Bởi vì theo như The Michelin Guide (hướng dẫn Michelin) thì yêu cầu để được sao Micheline lại đơn giản như thế này đây:
– Một sao: Địa điểm đáng để nán lại, một quán ăn đạt chuẩn trong lĩnh vực của nó (món Tây, món Nhật, một loại món ăn nhất định nào đó…). Quán ăn này có khả năng phục vụ nhiều món ăn ngon có chất lượng ổn định.
– Hai sao: Một nhà hàng đáng để đến thử, có chất lượng ẩm thực cực kì tốt và chuyên nghiệp. Những món ăn được chăm chút cẩn thận từng li từng tí.
– Ba sao: Nhà hàng mà dù xa đến đâu cũng nên tới thử, chất lượng ẩm thực xuất sắc, chuyên phục vụ cho những khách hàng có tiêu chuẩn và kiến thức ẩm thực cao. Có những món ăn độc đáo và được chế biến tinh tế, sử dụng nguyên liệu có chất lượng cao.
Nguồn: Tripsavy
Nếu so sánh với một số yêu cầu nhà hàng như cửa tờ Forbes với hơn 800 hạng mục cần thoả mãn, từ kích cỡ của những viên nước đá, nước cam tươi hay nước cam đóng hộp, chỗ đậu xe… thì tiêu chuẩn sao Michelin có phần “hời hợt” và “chung chung”. Nếu phỏng theo những yêu cầu trên thì hẳn là chúng ta biết được rất nhiều nhà hàng xứng đáng nhận Michelin, đúng không? Từ hàng xôi ngoài ngõ cho đến nhà hàng đắt đỏ nhất chúng ta từng đi ăn, hẳn có rất nhiều những chỗ mà chúng ta cho là xứng đáng nhận sao. Tuy nhiên “nói dễ hơn làm”, bởi vì nếu thật sự như vậy thì đã có nhiều nhà hàng trên thế giới được nhận sao hơn rồi.
Chính vì lý do này mà nhiều người cho rằng sao Michelin thực ra được “đánh giá cao quá”, giống như một hiện tượng hơn là chuẩn mực dành cho ẩm thực như nhiều người nói. Tuy nhiên cũng có lý do khiến Michelin được rất nhiều người tin tưởng và đề cao, dù cho có nhiều “thiếu sót” lộ liễu, đó là hai yếu tố:
Trái với nhiều người nghĩ, Michelin chỉ tập trung vào duy nhất món ăn và bản chất món ăn chứ không hề để ý đến chất liệu dụng cụ ăn bạn sử dụng, hay nội thất cũng như trang trí và cách phục vụ. Michelin tập trung hoàn toàn vào món ăn, thế nên mới có chuyện một hiệu vịt quay “chợ trời” ở Singapore hay một hàng streetfood ở Thái “hái sao”. Mặc dù không rõ quy chuẩn để đánh giá món ăn, nhưng qua những trường hợp trên có thể thấy Michelin không “kén” hình thức và tập trung hơn vào nội dung.
Tính khách quan
Đến hiện tại, không ai biết hội đồng Michelin bao gồm những ai, có bao nhiêu người, và quy mô hoạt động thế nào. Đó có thể là bất cứ ai, từ một ông lão lọm khọm ngồi bên hàng phở, hay một người trẻ mặc quần cộc ngồi đọc báo bên cốc cà phê vợt. Một số nguồn tin đã cho hay rằng một trong số những yêu cầu để làm người đánh giá Michelin là khả năng “hoà nhập”, nghĩa là phải làm sao để không ai nhận ra bạn là đại diện của một chuẩn mực ẩm thực danh giá. Michelin không thông báo rầm rộ mỗi khi “xuất quân” đánh giá ai đó, mà lặng lẽ hoà mình để có thể trải nghiệm như khách hàng bình thường, hưởng những phục vụ như bất kì người khách bình thường nào.
Theo một nghĩa nào đó thì Michelin không đại diện cho bất kì cá nhân nào, nên có tính khách quan cao. Chính vì điểm này mà Michelin được nhiều người đánh giá cao.
Thậm chí, có người còn so sánh Michelin như một trang review thức ăn “cao cấp” chứ về bản chất thì nó chẳng khác các trang như Yelp, Zagat. Bởi vì cách hoạt động của Michelin là: một người nào đó đi ăn rồi viết cảm nghĩ về món ăn, sau đó tất cả cùng họp với nhau để quyết định trao sao.
Mặt khác, dù được xem là một trong những chuẩn mực ẩm thực danh giá bậc nhất, Michelin vẫn chỉ là một khái niệm tương đối, bằng chứng là “barem chấm điểm” quá đỗi mơ hồ. Những tiêu chuẩn mà Michelin đặt ra nghe thì có vẻ dễ, nhưng hiếm nhà hàng nào đạt được. Đến cả những nhà hàng lẫy lừng đôi khi cũng bị tước sao “như chơi” nếu giảm phong độ, mà đáng sợ nhất là không biết vì sao lại bị tước. Chỉ cần một phút sơ sót vào một ngày nào đó, khi một vị khách Michelin “ẩn thân” muốn đến kiểm tra bất chợt và không hài lòng với món ăn là cũng đủ để khiến nhà hàng… xuống dốc.
Có thể thấy, dù Michelin có những yêu cầu thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại khiến không biết bao nhiêu đầu bếp và nhà hàng danh tiếng thế giới phải “dè chừng”. Bằng chứng là sau tình huống “tước sao” của Gordon Ramsay, một loạt những tên tuổi có tiếng đã phải “chấn chỉnh” lại, còn bếp trưởng Gordon khét tiếng thì lại lặng lẽ lui về để toàn tâm toàn ý tập trung nâng cao chất lượng và giành lại sao.